Ông Trump quyết không để mất 110 tỷ USD vì vụ nhà báo nghi bị sát hại

Hương Thảo (TheWashingtonPost/PressTV)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ lần đầu thể hiện rõ lập trường của Washington trước cáo buộc "giết người" mà đồng minh thân cận Saudi Arabia đang phải đối mặt.

Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Trả lời báo giới hôm 11/10 tại phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ không sẵn sàng vứt bỏ hàng tỷ đô la trong các thỏa thuận quân sự với Saudi Arabia vì vụ nhà báo nổi tiếng Jamal Khashoggi nghi bị sát hại bởi chính quyền Riyadh sau khi ông này biến mất đầy bí ẩn tại lãnh sự quán Saudi ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10.
"Vụ việc diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và theo hiểu biết của tôi thì Khashoggi không phải là công dân Mỹ", ông Trump nói thêm, dù thực tế là nhà báo này đang sống ở Mỹ.
Do lo ngại đến vấn đề tự do ngôn luận tại Saudi Arabia từ vụ việc này mà một số nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Trump gây áp lực cho chính quyền Saudi, bao gồm cả việc ngừng cung cấp vũ khí cho nước này, cho đến khi số phận của nhà báo Khashoggi được làm sáng tỏ.
Đáp lại, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố: "Tôi sẽ không ủng hộ việc ngăn chặn một quốc gia chi trả đến 110 tỷ USD - đó là một kỷ lục của mọi thời đại". Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Trump cũng cho biết rằng quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia vẫn "tuyệt vời", dù khẳng định đã giao cho các nhà điều tra tìm hiểu vụ mất tích bí ẩn đang là đề tài tranh cãi nảy lửa giữa Thổ và Saudi.
Cùng ngày, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với các quan chức Mỹ rằng họ đang có các bản ghi âm và video chứng minh ông Khashoggi đã bị giết bên trong lãnh sự quán Saudi tại Istanbul.
Tờ Washington Post, nơi nhà báo Jamal Khashoggi làm việc, trích dẫn tiết lộ từ một người được cho là đã tiếp cận với các bằng chứng nói trên: "Bạn có thể nghe thấy giọng của những người đàn ông nói tiếng Ả-Rập... sẽ nhìn thấy người đàn ông bị thẩm vấn, bị tra tấn và sau đó bị sát hại như thế nào".
Các bằng chứng và chân dung các nghi phạm đã được truyền thông Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ công bố liên tiếp trong nhiều ngày qua. Ảnh: PressTV.
Sự tồn tại của các bằng chứng này có thể là lý do vì sao các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lại nhanh chóng cáo buộc chính quyền Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm cho sự biến mất của ông Khashoggi. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là vẫn đang thận trọng trong việc phát hành các bản thu âm vì lo sợ chúng có thể tiết lộ cách gián điệp nước này hoạt động tại các thực thể nước ngoài ở quốc gia họ.
Saudi Arabia, dưới sự lãnh đạo của Hoàng tử Mohammed bin Salman, đến nay vẫn một mực phủ nhận các cáo buộc cho rằng chính quyền nước này đã sát hại Jamal Khashoggi - cây bút với nhiều bình luận tiêu cực về các chính sách của Hoàng gia Saudi trong vài năm qua, mặc cho nhiều dấu hiệu bất thường đã được quan chức điều tra Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra như việc biến mất của nhiều đoạn băng ghi hình an ninh tại lãnh sự quán Saudi ngày xảy ra vụ việc hay hành tung bí ẩn của chiếc xe màu đen bị nghi là đã mang thi thể ông Khashoggi, sau khi đã bị phân vào các hộp, tới sân bay để chuyển về Saudi Arabia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần