OPEC khó thuyết phục Nga tiếp tục cắt giảm sản xuất dầu

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ả Rập Saudi và các thành viên OPEC khác có thể buộc phải tự cắt giảm sản lượng dầu mỏ nếu Nga không đồng ý gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng.

Nguồn tin từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu dẩu mỏ (OPEC) cho biết, Ả Rập Saudi đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục Nga gia hạn việc thực hiện cắt giảm nguồn cung dầu mỏ và Moscow có thể sẽ chỉ đồng ý kéo dài thỏa thuận này thêm 3 tháng.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak (bên trái) và người đồng cấp Ả Rập Saudi Khalid al-Falih. 
OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là Nhóm OPEC+, đã đồng ý vào hồi tháng 12/2018 về việc giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 1-6/2019.
Các nguồn tin trên cho hay, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã nói với người đồng cấp Ả Rập Saudi Khalid al-Falih khi 2 quan chức này gặp nhau tại Baku trong tháng này rằng, ông không thể đảm bảo thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sẽ kéo dài tới cuối năm 2019.
“Chúng tôi có thể kéo dài việc cắt giảm sản xuất dầu mỏ thêm tiếp 3 tháng khi cùng đàm phán với nhau vào tháng 6 tới. Chúng tôi thực sự không thể biết cho tới giây phút cuối cùng rằng Nga có đồng ý hay không”, một quan chức OPEC tiết lộ.
Sau khi liên minh OPEC+ được thành lập vào năm 2017, giá “vàng đen” đã tăng gấp đôi, lên hơn 60 USD/thùng - chủ yếu là do một loạt các đợt cắt giảm sản xuất của các thành viên.
Các nhà phân tích thị trường nhận định rằng nếu Nga rút khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhiều khả năng giá dầu sẽ đi xuống.
Theo nguồn tin từ OPEC, nếu không thuyết phục được Nga, Ả Rập Saudi và các thành viên OPEC khác có thể phải tự thực hiện cắt giảm sản xuất dầu mỏ.
Hiện chưa rõ quan điểm cứng rắn của Nga có phải là một chiến thuật thương lượng hay do Bộ trưởng Novak đang đối mặt với nhiều áp lực từ phía các công ty dầu mỏ của Nga không muốn cắt giảm sản lượng.
Igor Sechin, lãnh đạo tập đoàn Rosneft của Nga, từng viết một bức thư cho Tổng thống Putin khẳng định rằng, thỏa thuận với OPEC là mối đe dọa chiến lược và nó đang bị dẫn dắt bởi Mỹ.
Vào hôm 28/3, Tổng thống Trump đã tiếp tục kêu gọi OPEC tăng cường sản lượng nhằm giữ giá dầu ở mức thấp.
Hiện vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng Tổng thống Putin sẽ ủng hộ quan điểm của ông Sechin mặc dù 2 người có mối quan hệ thân thiết do Moscow coi OPEC là một phần của một chiến lược rộng hơn liên quan tới Syria và nhiều vấn đề khác.
Tuy nhiên, phía Nga hiểu rõ việc Ả Rập Saudi muốn đẩy giá dầu lên tối thiểu 70 USD/thùng do cần tăng thu ngân sách, trong khi Moscow chỉ cần giá “vàng đen” ở mức  55 USD/thùng để cân đối ngân sách quốc gia.
Trong tháng này, OPEC và các đồng minh cũng đã hủy một cuộc họp theo kế hoạch vào tháng 4 tới. Thay vào đó, nhóm OPEC+ sẽ cân nhắc để quyết định có nên gia hạn cắt giảm sản lượng vào tháng 6 hay không, sau khi đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran trong tháng 5.
Theo các nguồn tin này, chính Nga là một trong những quốc gia khuyến nghị hủy cuộc họp của các nước trong và ngoài OPEC trong tháng 4.