OPEC “tiến thoái lưỡng nan”

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh giá dầu tiếp tục đi xuống, Bộ trưởng các nước trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhóm họp tại thành phố St. Petersburg (Nga) để bàn thảo về triển vọng của thị trường và mức độ tuân thủ thoả thuận cắt giẳm sản lượng dầu mỏ của các nước. rnrn

OPEC trước thềm cuộc họp tại Nga để thảo luận triển vọng thoả thuận cắt giảm sản lượng - Ảnh Reuters

Có hiệu lực từ đầu năm 2017 cho đến tháng 3/2018, OPEC, Nga và một số quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đã nhất trí với thỏa thuận cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày nhằm phục hồi giá dầu lên mức 60 USD/thùng và giảm tình trạng sản lượng dư thừa đã kéo dài trong hơn 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, với việc Nigeria và Lybia, 2 quốc gia thành viên OPEC được miễn nghĩa vụ cắt giảm tiếp tục đà tăng sản lượng, cũng như việc Mỹ đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến đã khiến giá dầu Brent giảm tới 13% trong năm nay. Đây là sự sụt giảm đã được báo trước khi thị trường đang tỏ ra hoài nghi trước tính hiệu quả trong các biện pháp cắt giảm của OPEC.

Phát biểu trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã đề cập đến khả năng sẽ đề xuất một mức giới hạn sản lượng đối với Nigeria và Libya: ”Chúng tôi tin rằng, một khi sản lượng dầu tại Libya và Nigeria đi vào ổn định, thị trường dầu mỏ sẽ bớt đi các yếu tố bất ngờ có thể ảnh hưởng tới nỗ lực chung nhằm tái cân bằng thị trường và tăng giá dầu”. Thông điệp này cho thấy, Moscow đang dần mất kiên nhẫn trước việc 2 thành viên OPEC tiếp tục tăng nguồn cung dầu, đồng thời để ngỏ khả năng gây sức ép lên Ả Rập Saudi, quốc gia đứng đầu OPEC nhằm yêu cầu 2 nước này nhanh chóng thực thi thoả thuận.

Tuy nhiên theo phân tích của giới chuyên gia, đề xuất này khó có thể trở thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh Lybia vừa kết thúc cuộc nội chiến và cần tăng nguồn thu để tái thiết đất nước.

Trong khi đó, OPEC vẫn chưa thể thống nhất về các biện pháp đối phố với làn sóng nguồn cung dầu đến từ các nhà khai thác dầu đá phiến tại Mỹ, quốc gia hiện nằm ngoài tầm ảnh hưởng của thoả thuận cắt giảm sản lượng. Với mức chi phí thấp hơn nhiều so với phương thức khai thác dầu truyền thống, các nhà khai thác tại Mỹ sẽ vẫn có lãi ngay cả khi giá dầu thô suy giảm ở mức dưới 50 USD/thùng. Điều này đã đẩy OPEC vào thế khó, buộc tổ chức này cần cân nhắc kĩ đề xuất của Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Essam Al-Marzouq về khả năng điều chỉnh thoả thuận giảm sản lượng về một mức giảm sâu hơn hiện nay. Bởi một khi nguồn cung từ OPEC giảm, giá dầu thế giới tăng trở lại sẽ càng khuyến khích Mỹ tăng sản lượng cung ứng dầu đá phiến ra thị trường và chiếm lĩnh thị phần của OPEC.

Theo ý kiến từ ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Thuỵ Sĩ UBS, một trong những mục tiêu chính mà Ả Rập Saudi đặt ra trong cuộc họp lần này là nhằm thuyết phục các nước thành viên tiếp tục thực thi thoả thuân đã ký, bởi bất kỳ một sự “phá rào” nào xảy ra trong thời điểm này sẽ chỉ khiến giá dầu tiếp tục đi xuống.

Hiện tại, Ả Rập Saudi đang cân nhắc khả năng sẽ tự cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày để hạn chế tác động tăng sản lượng từ một nước thứ ba, tuy nhiên nỗ lực từ quốc gia này sẽ là không đủ nếu không có sự đồng lòng và hợp tác từ các đối tác trên thị trường dầu mỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần