PCI 2019: Quảng Ninh dẫn đầu, Hà Nội tiếp tục trong top 10

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quảng Ninh dẫn đầu, Hà Nội, Đà Nẵng… tiếp tục top 10 bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019.

“Cùng lan tỏa những thông điệp cải cách môi trường kinh doanh” là chủ đề Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố trực tuyến vào sáng nay (5/5).
Đây là sự kiện được trông đợi trong năm với những chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
 Ảnh minh họa
Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên năm thứ 15 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh cũng như chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trên cả nước, với sự tham gia của gần 12.500 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết: Một địa phương có chất lượng điều hành tốt phải đảm bảo các tiêu chí như: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt và thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự...
Về kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019, ông Lộc đánh giá: “Kết quả PCI năm 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam. Đặc biệt là chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, PCI năm 2019 có điểm trung bình cao nhất từ trước tới nay, xu hướng hội tụ đã thu hẹp lại sự cách biệt trong chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố, cho thấy chúng ta đã có một dàn nhạc cải cách đồng điệu hơn các địa phương”.
“Sự năng động sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng có nhiều tiến bộ, khiến bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên sáng sủa hơn một số chỉ số PCI, và có tới 80% số doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của các cơ quan chính quyền”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ở thời điểm giữa năm 2019, khi VCCI tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên.
Tuy vậy ông Lộc cũng cho biết, PCI 2019 cũng đã chỉ ra một số lĩnh vực có mức độ cải cách chưa như kỳ vọng. Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Đồng thời đưa ra một số khuyến nghị với chính quyền địa phương để tiếp tục thay đổi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo báo cáo, mức độ tự động hoá hiện tại và dự kiến tại Việt Nam cao hơn dự đoán của chính nhóm tác giả. Cụ thể, 67% doanh nghiệp cho biết họ đã tự động hoá một phần công việc trong 3 năm qua. Đặc biệt, có tới 75% doanh nghiệp dự định sẽ tự động hoá các công việc mới trong 3 năm tới. Ngay cả các doanh nghiệp tự nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI cũng dự kiến sẽ tự động hoá từ 1/4 đến 1/3 số công việc do con người đang đảm nhiệm hiện nay.
Để đẩy mạnh được tự động hoá và chuyển đổi số, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần phải UPSKILL – nâng cao kỹ năng của người lao động và thực sự coi giáo dục quốc gia là quốc sách hàng đầu. Trong đó, nhiệm vụ thực hiện 3 đột phá: Cải cách thể chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng đã được khẳng định trong đường lối của Đảng chưa bao giờ trở nên thôi thúc như hiện nay.
Báo cáo PCI 2019 không đề cập tới dịch bệnh mà chỉ phản ánh cục diện cải cách và môi trường kinh doanh ở cấp địa phương ở Việt Nam trước đại dịch Covid-19. Song hiện tại tình hình đã khác, nỗi lo suy thoái đang là xu hướng chủ đạo.
“Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh sáng tạo và phải có trách nhiệm hơn”, Chủ tịch VCCI cho hay.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần