Petrolimex ngày đầu chào sàn, vốn hóa đạt gần 56 tỷ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với giá tham chiếu 43.200 đồng một cổ phiếu, vốn hóa khi chào sàn của Petrolimex đạt 55.892 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD).

Sáng nay (21/4), cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức niêm yết 1,29 tỷ đơn vị trên sàn TP Hồ Chí Minh.
 

Với giá tham chiếu 43.200 đồng một cổ phiếu, vốn hóa khi chào sàn của Petrolimex đạt 55.892 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) và chiếm khoảng 3,3% vốn hóa tại sàn HOSE.

Điều này đồng nghĩa việc Petrolimex góp mặt trong nhóm 10 DN có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.

Với biên độ dao động 20%, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu Petrolimex được đặt mua giá trần 51.840 đồng. Đến gần 10h, có khoảng 172.980 cổ phiếu giao dịch khớp lệnh với giá trung bình 51.280 đồng.

Petrolimex hiện có 2 cổ đông lớn là Bộ Công Thương sở hữu 75,87% vốn và Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Energy Việt Nam (JX NOE) sở hữu hơn 8% vốn điều lệ.

Các cổ đông nước ngoài khác cũng nắm giữ hơn 2 triệu cổ phiếu Petrolimex, tương đương 0,175% vốn điều lệ tập đoàn. Theo đó, tổng tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại DN này là 8,177%, cổ đông trong nước là 91,82%.

Petrolimex thành lập từ năm 1956, là nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu lâu đời nhất và lớn nhất Việt Nam với khoảng 50% thị phần. Công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2011 với vốn điều lệ là 10.700 tỷ đồng.

Sau đó, Petrolimex đã bán khoảng 103,5 triệu cổ phiếu (khoảng 10% vốn điều lệ) cho cổ đông chiến lược là JX Nippon Oil & Energy Corporation (JX NOE). Đây là công ty bán lẻ xăng dầu lớn nhất Nhật Bản với 43% thị phần.

Ngoài ra, Petrolimex cũng đã mua khoảng 155 cổ phiếu quý trong năm 2016. Vốn điều lệ hiện tại của Petrolimex là 12.939 tỷ đồng.

Năm 2017, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 143.208 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự báo giảm 25,7% (tương đương 1.620 tỷ đồng), xuống còn 4.680 tỷ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần