PGS.TS Lê Quân: Hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Quốc Toản (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì chỉ hô hào “suông”, các cơ quan quản lý cần cụ thể các giải pháp từ quản lý đến hỗ trợ thì mới có thể thúc đẩy khối kinh tế tư nhân.

Đó là ý kiến của PGS.TS Lê Quân, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về thực trạng cũng như những điều kiện cần thiết cho những DN khu vực này phát triển tốt hơn.
Tín hiệu tích cực
Theo báo cáo mới đây của Chính phủ trình Quốc hội, 4 tháng đầu năm đã có 40.000 DN  mới được thành lập, ông có cảm nhận thế nào về con số này?
- Số lượng DN được thành lập nhiều là tín hiệu tốt cho thấy sự năng động của nền kinh tế. Thực tế là hơn 10.000 DN được thành lập hằng tháng không phải là nhiều với quốc gia đang phát triển với gần 100 triệu dân như chúng ta hiện nay. Nhưng nếu so với những năm trước đây, con số này rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần kinh doanh đang có sự chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều người dân quan tâm đến khởi sự kinh doanh. Bên cạnh đó, có thể đánh giá là thủ tục và chi phí thành lập DN hiện tại của nước ta rất thuận lợi, bớt thủ tục phiền hà, minh bạch, thông thoáng hơn, cùng với vai trò của các tổ chức và cá nhân tư vấn pháp lý đã phát huy tốt để hỗ trợ thành lập DN. Có lẽ chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp lại mạnh mẽ như hiện nay, không chỉ hô hào mà Nhà nước cùng các DN lớn cùng làm “bà đỡ”, tham gia bằng nhiều chương trình, hoạt động cụ thể.
 Bên cạnh những con số tích cực, không ít ý kiến băn khoăn về chất lượng số DN được thành lập mới khi mà đa số là những DN “siêu nhỏ”. Theo ông, chúng ta phải làm gì để nâng “chất” DN?
- Cái này theo đúng quy luật thị trường, cũng giống như tại hầu hết các nước trên thế giới, tỷ lệ DN phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động trong 5 năm đầu luôn dao động quanh con số 50 - 60%. Do đó, để đạt được con số 1 triệu DN vào năm 2020, số lượng DN được thành lập mới cần đạt cao hơn nữa. Bên cạnh đó, qua thống kê cho thấy đa phần DN được thành lập thuộc các lĩnh vực thông tin, truyền thông, dịch vụ, thương mại. Quy mô của DN được thành lập mới nhỏ, siêu nhỏ. Tuy khởi nghiệp đã được coi trọng, nhưng phải thấy rằng số lượng DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất thấp; DN có tiềm năng phát triển nhanh và mạnh trong những năm tiếp theo không nhiều.
Tôi cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển tinh thần kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi hộ kinh doanh sang DN nhỏ, thì tập trung vào các DN đổi mới sáng tạo chính là nâng cao "chất" các DN. Chính phủ cần đẩy nhanh hơn tiến độ triển khai đề án hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, nhanh chóng thành lập và cho phép thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, các sàn giao dịch ý tưởng, các vườn ươm khởi nghiệp, không gian làm việc chung và không gian sáng tạo, kết nối nhà đầu tư - nhà khoa học - doanh nhân... là các giải pháp để tạo ra những DN tăng trưởng nhanh, tạo nhiều giá trị gia tăng.
Cần hệ sinh thái khởi nghiệp
Vừa qua, Hội nghị T.Ư 5 (Khóa XII) đã xây dựng hẳn một Nghị quyết chuyên đề “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” và dự kiến trong Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ thông qua Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, ông đánh giá thế nào về hai quyết sách quan trọng được coi là lực đẩy giúp cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển?
- Có thể nói Hội nghị T.Ư 5 (Khóa XII) đã thể hiện bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định chỗ đứng, vai trò của mình. Thay vì chúng ta dùng những từ như xã hội hóa, cổ phần hóa..., nay kinh tế tư nhân đã được coi là chủ lực để phát triển kinh tế đất nước. Để triển khai Nghị quyết, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ góp phần hoàn thiện thiết chế để tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân. Luật chú trọng vào phát triển các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như chú trọng phát triển hệ thống hỗ trợ DN. Nghị quyết và luật sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để triển khai tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới.
Xóa mọi định kiến và rào cản, theo ông, đây đã là những điều kiện đủ cho kinh tế tư nhân phát triển?
- Đảng đã thay đổi tư duy về vai trò khu vực kinh tế tư nhân. Điều này đòi hỏi cán bộ, công chức hành xử đúng mực, phải cách ly lợi ích của mình ra khỏi lợi ích hiện nay gắn khu vực kinh tế Nhà nước, trả lại vị trí xứng đáng cho khu vực kinh tế tư nhân. Vì DN tư nhân có giàu mạnh thì người dân mới giàu mạnh, no ấm.
Thông điệp trên phải cụ thể hóa thành hành động của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương trong việc thiết kế, xây dựng, thực thi các chính sách, để làm sao đảm bảo được vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ không thể làm thay DN, nhưng phải hậu thuẫn cho những DN làm tốt, bởi cái DN tư nhân cần là sự công bằng.
Trên cơ sở tư duy được thay đổi như thế, tôi cho rằng nên ưu tiên một số giải pháp sau: Quan tâm hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật liên quan đến tài sản sở hữu trí tuệ bởi đây là yếu tố rất quan trọng đảm bảo cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và cạnh tranh. Hoàn thiện hệ thống hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đặc biệt Nhà nước ưu tiên đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp, vườn ươm DN để phát triển các DN đổi mới, sáng tạo, có năng lực hội nhập quốc tế.
Hoàn thiện thể chế quản lý tài chính DN và minh bạch thông tin tài chính để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi tham gia góp vốn hoặc đầu tư cổ phiếu cho DN. Hiện nay, tình trạng báo cáo tài chính được sửa chỉnh theo ý chủ quan của lãnh đạo DN là khá phổ biến, tình trạng kê khai trốn thuế gây thất thu cho ngân sách. Nhưng nghiêm trọng hơn, khi tình trạng này còn phổ biến, lợi ích của các cổ đông thiểu số không được đảm bảo, cổ đông lớn thao túng chi phí cũng như giá cổ phiếu để thu lợi cá nhân và phương hại cổ đông nhỏ và cổ đông Nhà nước. Từ đó, niềm tin của người dân không có sẽ chỉ bỏ tiền vào thị trường vốn dưới dạng lướt sóng thay vì góp vốn đầu tư lâu dài cho DN.
Chúng ta cũng cần xóa bỏ cơ chế cho phép cấp đất cho các dự án kinh doanh gây nên tình trạng người dân bị thu hồi đất giá thấp, Nhà nước không thu được đất từ đấu giá đất, trong khi DN không có “quan hệ” sẽ khó tiếp cận nguồn lực này, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh. Vì vậy, Nhà nước cần thực hiện đấu giá đất cho các chủ đầu tư sát giá thị trường và tạo nguồn thu để đảm bảo phát triển hạ tầng, an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, tôi đề nghị phải xóa bỏ hẳn sai lầm trước đây khi cho phép nhà kinh doanh bất động sản được huy động và nhận vốn trực tiếp từ người dân, gây nên tình trạng méo mó của thị trường kinh doanh bất động sản với những nhà đầu tư trục lợi trên quan hệ thân hữu. Thay vào đó, người dân chỉ góp vốn mua bất động sản qua ngân hàng và ngân hàng giải ngân vốn cho DN theo lộ trình cam kết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần