“Phá sản” hệ thống đào tạo giáo viên?

Oanh Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về quy hoạch sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm (SP), TS Lê Viết Khuyến cho rằng, không thể nói đang thừa giáo viên (GV) thì giải tán hay sáp nhập các trường SP, chỉ giữ lại 8 trường trọng điểm. Thực tế, quy hoạch hệ thống đào tạo GV hiện đang còn nhiều bất cập.

 TS Lê Viết Khuyến
Sắp tới sẽ thiếu giáo viên
Thưa ông, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường SP và thành lập một số trường SP trọng điểm. Trong đó, hình thành mạng lưới 6 - 8 trường SP chủ chốt; giải thể 2 trường trung cấp SP. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Tôi đồng ý giải thể 2 trường trung cấp SP, vì trình độ chuẩn của GV phải được tăng lên. Nhưng đi vào cụ thể, tôi thấy có mấy điều cần phải trao đổi. Thứ nhất, nếu chỉ tập trung vào 8 trường SP trọng điểm làm nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng GV thì chưa ổn, bởi từ trước đến nay cả nước có hàng trăm trường SP đào tạo nhiều loại GV cho các bậc học. Thứ hai, theo dõi rất nhiều năm cho thấy, nhu cầu đào tạo GV luôn theo kiểu hình lượn sóng, lúc thừa, lúc thiếu, thậm chí rất thiếu.
Sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Công Hùng
Bởi ở các quốc gia đặc biệt như Việt Nam, GV nằm trong biên chế viên chức có tuổi nghỉ hưu. Đã từng có lúc GV nghỉ hưu hàng loạt, chúng ta phải chấp nhận lấy những người dưới chuẩn rồi bồi dưỡng để đảm bảo đủ GV. Khi biến động dân số tăng lên, thay đổi chương trình giáo dục phổ thông... sẽ không đủ GV để dạy học sinh dẫn tới hiện nay đang thừa GV nhưng sắp tới lại thiếu.
Trong dự thảo tờ trình của Bộ GD&ĐT đề nghị sáp nhập, giải thể các trường cao đẳng (CĐ) SP không đạt chuẩn. Hiện nay, những trường ĐH SP cũng đào tạo được GV các bậc dưới?
- Hiện nay, các trường CĐ SP địa phương chủ yếu đào tạo các loại GV mầm non, tiểu học, THCS. Các trường ĐH SP chủ yếu đào tạo GV THPT. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các trường ĐH SP mới đào tạo các loại GV nhưng ưu thế không thể so bằng nhiều trường CĐ SP đã có bề dày 50 - 60 năm. Theo tôi, các trường CĐ SP ở địa phương cần phải nâng trình độ GV lên ĐH; cộng với được hưởng chính sách tốt sẽ hoàn toàn có điều kiện phát triển và tăng chất lượng đào tạo. Với những trường CĐ SP yếu, không “bật” lên được thì phải tính đến chuyện giải tán hay sáp nhập. Nhưng phải có thời gian dự phòng, chứ không phải đùng cái sáp nhập hay giải tán ngay.
Phân công nhiệm vụ cho từng loại trường
Trong trường hợp phải sáp nhập các trường CĐ SP ở địa phương thì nên theo hướng nào, thưa ông?
- Hiện đang diễn ra hai hướng sáp nhập. Một là trường CĐ SP ở địa phương trở thành phân hiệu của trường SP trọng điểm nhưng lại không được ở chỗ: Khi CĐ SP sáp nhập vào trường trọng điểm thì chỉ sử dụng được đất và cơ sở xây dựng; còn cơ sở vật chất và tiêu chuẩn GV không đáp ứng được tiêu chí của ĐH SP. Cuối cùng trường CĐ SP địa phương bị đẩy vào tình thế bị chiếm hữu và vô hiệu hóa.
Tình trạng này đã diễn ra với vài trường. Hướng thứ hai, trường CĐ SP sáp nhập vào trường CĐ khác do Bộ LĐTB&XH quản lý. Xu hướng hiện nay, các trường CĐ thiên về đào tạo kỹ năng tay nghề, giảm bớt tối đa những môn văn hóa. Trong khi trường SP có nhiệm vụ chính đào tạo GV Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa... sáp nhập vào CĐ cũng sẽ bị triệt tiêu.
Cho nên cả hai hướng sáp nhập trường CĐ SP như hiện nay đều không ổn. Tương lai, các trường CĐ SP bị “chết”, chỉ có 8 trường ĐH SP nhưng lại không thể đảm đương hết được nhiệm vụ đào tạo các loại GV. Cho nên quy hoạch này của Bộ GD&ĐT là “phá sản” hệ thống đào tạo giáo viên.
Vậy theo ông, nên quy hoạch các trường SP theo hướng nào?
- Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT về hướng quy hoạch các trường SP. Phương án trước mắt là phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng loại trường. Cụ thể, các trường SP ở địa phương làm nhiệm vụ đào tạo GV mầm non, tiểu học và THCS. Những trường này nhận chỉ tiêu từ tỉnh, TP và đào tạo theo đơn đặt hàng. Khi giáo sinh ra trường sẽ chấp nhận phân công công tác của tỉnh, TP.
Đối với việc đào tạo GV THPT, Bộ GD&ĐT sẽ đặt hàng đào tạo chung cho cả nước. Những trường ĐH SP trọng điểm, cùng với việc đào tạo GV THPT sẽ làm nhiệm vụ bồi dưỡng GV cho các trường CĐ SP, bồi dưỡng GV THPT, đào tạo sau ĐH (thạc sĩ, tiến sĩ). Còn, về lâu dài hơn, các trường SP ở địa phương cũng phải nâng chất lượng để đào tạo GV THPT. 
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần