Phá thế độc quyền đại diện cho tác giả âm nhạc

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, vấn đề khai thác bản quyền âm nhạc Việt “nóng” trên tất cả các diễn đàn.

Đây không chỉ là cuộc tranh luận, kiện tụng giữa 2 đơn vị khai thác bản quyền, mà còn là cuộc rút lui của các nhạc sĩ sau gần 15 năm gửi gắm tác phẩm cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Dù chưa rõ thắng – thua trong các cuộc tranh luận, nhưng lĩnh vực bảo vệ tác quyền âm nhạc đã sang trang mới, phá thế độc quyền khai thác.
Rút hết ủy quyền tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên

Gần 15 năm trước, với chức trách là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cố nhạc sĩ An Thuyên nhiệt tình ủng hộ người bạn, người đồng môn của mình là nhạc sĩ Phó Đức Phương thành lập VCPMC. Thực tế, đơn vị bảo vệ tác quyền cho nhạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam - nói nôm na là đơn vị đòi tiền công lao sáng tác cho nhạc sĩ, đã ra đời. Nhờ nỗ lực của Trung tâm, hàng tháng, hàng quý, nhiều nhạc sĩ đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng tiền tác quyền như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Chung, Hoài An, Hồng Thuận…
Gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ về lý do rút ủy quyền các tác phẩm khỏi VCPMC. Ảnh: Thanh Loan
Người nhạc sĩ vốn không giỏi tính tiền nong, nhưng cũng không thể mãi xuề xòa khi việc thu về, chia ra của VCPMC càng ngày càng thể hiện những điều thiếu minh bạch. “VCPMC đưa ra một mẫu hợp đồng chung với các nhạc sĩ. Số lượng thu về bao nhiêu, ở đâu, như thế nào, tác giả và gia đình không nắm được thông tin” – bà Huyền Lâm – vợ cố nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ. Trong thời gian ủy quyền cho VCPMC, có quý gia đình nhạc sĩ An Thuyên nhận được 8 triệu đồng, có quý 12 triệu đồng và quý cao nhất là 32 triệu đồng. Đối với gia đình nhạc sĩ An Thuyên, thu được bao nhiêu tiền tác quyền không phải là vấn đề chính, mà là cần minh bạch và đa dạng hình thức bảo vệ tác phẩm.

"Doanh thu từ thu tiền tác quyền âm nhạc đang có nhiều tiềm năng. Năm 2017, VCPMC chi nhánh phía Nam đã thu được hơn 59,1 tỷ đồng. Trong lĩnh vực nhạc nền, những đơn vị ngoài VCPMC đã thu đạt hơn 30 tỷ đồng/năm.

Chúng tôi sẵn sàng làm theo luật, ủng hộ việc chi trả tác quyền âm nhạc cho các tác giả, tuy nhiên thu như thế nào cần phải rõ ràng. Có nhiều nghệ sĩ khi biểu diễn cho VTV đã có hợp đồng thỏa thuận riêng thì không thể yêu cầu phía Đài tiếp tục trả tiền tác quyền. Hơn nữa, việc liệt kê danh mục bài hát do bên nào đảm nhiệm cũng cần phải rõ ràng." - Ông Nguyễn Thanh Vân - phụ trách bộ phận sở hữu trí tuệ Ban kiểm tra của VTV
Qua rất nhiều bàn bạc, gia đình quyết định rút toàn bộ tác phẩm khỏi VCPMC. Kể từ ngày 17/1/2018, VCPMC không còn là đại diện quản lý và khai thác quyền tác giả đối với các tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên, nhưng thời gian hoàn thiện các thủ tục sẽ phải lui khoảng 6 tháng. Việc gia đình nhạc sĩ An Thuyên rút toàn bộ hợp đồng ủy quyền 300 tác phẩm của ông ra khỏi VCPMC không chỉ là câu chuyện của một cá nhân hay một gia đình, mà là câu chuyện về sự đổi khác trong bức tranh bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Cạnh tranh nên kiện tụng

Không giống 10 năm trước, trong vòng 3 năm trở lại đây, một số đơn vị đã tham gia vào lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan cho các nghệ sĩ. Chính vì vậy, sau khi rời VCPMC, một số nhạc sĩ đã tìm đến đối tác ủy quyền mới như Nhaccuatui, Sky Music… Tuy nhiên, phương thức làm việc của các đơn vị này khác nhau. Cho dù ông Phạm Hà Anh Thủy – Giám đốc Sky Music nói hình ảnh rằng: “Nước sông không phạm với nước giếng” để nói về hướng khai thác bản quyền của đơn vị này với VCPMC. Nhưng rõ ràng, những cuộc kiện tụng đã bắt đầu nổ ra, vì Sky Music là đối thủ và là đơn vị phá thế độc quyền của VCPMC.

VCPMC thì cho rằng, Sky Music xâm phạm tác quyền, tự ý sử dụng các tác phẩm thuộc thành viên VCPMC để kinh doanh dịch vụ cung cấp giải pháp phát nhạc có thu phí, đồng thời đăng tải các ca khúc này trên website của mình. Tuy “xài chùa” chưa hề được các tác giả cho phép, nhưng đơn vị này tuyên bố có đầy đủ bản quyền gồm quyền liên quan của ca sĩ, nhà sản xuất và cả quyền tác giả. Chính vì thế, phía VCPMC vào cuộc để giải quyết theo quy định của pháp luật. Ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc VCPMC cho biết, trước mắt sẽ có 4 yêu cầu gửi đến Sky Music: Sky Music phải xin lỗi công khai việc xâm phạm tác quyền; trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ đã ký kết với VCPMC, nhưng bị xâm phạm tác quyền trong thời gian qua; chấm dứt ngay việc sử dụng tác phẩm của các tác giả thành viên VCPMC cho đến khi được sự cho phép của VCPMC, cũng như thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả; nếu cố tình tránh né, VCPMC sẽ sử dụng đến các biện pháp mang tính pháp quyền.

Ông Phạm Hà Anh Thủy tỏ ra khá bất ngờ với những phản ứng của VCPMC. Ông Thủy cho rằng, va chạm giữa VCPMC xuất phát từ khi Sky Music chuyển sang khai thác dịch vụ nhạc nền. Hiện nay, những khúc mắc này đang được Sky Music dần dần giải quyết. Đơn vị này sẽ trực tiếp trả tác quyền tác giảc cho VCPMC hoặc sẽ nghề nghị ca sĩ bóc tách từ tiền tác quyền chung nhận từ Sky Music.

Cần sự minh bạch

Trước nhạc sĩ An Thuyên, năm 2014, nhạc sĩ Phú Quang cũng đã chính thức rút quyền bảo vệ tác phẩm của ông ra khỏi VCPMC. Nhạc sĩ Phú Quang đã tự chịu trách nhiệm về mặt bản quyền đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, truyền hình, thu thanh, băng đĩa nhạc phát hành trên thị trường, các trang mạng trong và ngoài nước. Ngoài ra, trong cuộc họp báo mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường cũng cho biết, bước đầu ông sẽ rút ủy quyền bảo vệ tác phẩm thiếu nhi ra khỏi VCPMC. Theo thông tin của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, hiện nay nhạc sĩ Quốc Bảo và một vài nhạc sĩ khác cũng đã chấm dứt hợp đồng ủy quyền với VCPMC.

Nguyên lý khai thác của VCPMC là việc ủy quyền kéo dài trong 5 năm, trừ trường hợp 2 bên chấm dứt trước thời hạn theo quy định, hợp đồng hết hạn nếu không thanh lý sẽ tự gia hạn. Những điều khoản về phần trăm được hưởng, nguồn được hưởng… của VCPMC theo quan điểm của nhiều nhạc sĩ là không rõ ràng. “Trong cơ chế thị trường, ai làm tốt thì người ta theo. Tôi rất biết ơn VCPMC, nhưng cũng đã đến lúc cần thay đổi” - nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường chia sẻ. Cùng quan điểm, ca sĩ Bông Mai, con gái nhạc sĩ An Thuyên cho rằng: “Vì mong muốn các tác phẩm của ba tôi đến được với mọi người, nên chúng tôi mong muốn đơn vị bảo vệ tác quyền phải vừa bảo vệ vừa quảng bá. Trong hợp đồng ký với VCPMC, có kèm theo điều khoản là quảng bá các tác phẩm, nhưng từ trước đến nay VCPMC chỉ bảo vệ tác quyền thông qua các tác phẩm có sẵn. Còn với những bản thu mới thì lại không được quan tâm. Chúng tôi cũng muốn một sự minh bạch với những người nghệ sĩ nói chung trong một tác phẩm âm nhạc cũng như những người đã hợp tác với ba tôi”.

Trong khi đó, Sky Music cho phép nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn lựa chọn loại hợp đồng độc quyền hoặc không độc quyền, thời hạn hợp đồng một năm hoặc dài hơn tùy mong muốn, phạm vi cấp quyền toàn bộ hoặc chỉ một số tác phẩm cụ thể. Sky Music trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ dựa trên số lần khai thác và đặt bộ đo đếm số lần này. “Việc đo đếm tần suất phát nhạc là phù hợp với xu thế chung thời đại, cũng được quy định cụ thể tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Việc đo đếm minh bạch không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn đảm bảo công bằng cho tất cả các nghệ sĩ có tác phẩm được khai thác” - ông Thủy cho biết.

Nếu như thế mạnh của Sky là sự công khai kiểm đếm bằng công nghệ, thì hạn chế là mới khai thác ở phần nhạc số. Còn VCPMC với thế mạnh gần 15 năm phát triển, mạng lưới phủ rộng gần hết các tỉnh thành, đã khai thác bản quyền thành công ở các dịch vụ văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, karaoke, nhà hàng khách sạn…, nhưng kỹ thuật áp dụng bảo vệ còn nghèo nàn, lạc hậu so với thời đại công nghệ 4.0. Sau 5 năm hoạt động, vô hình chung Sky là đối thủ của VCPMC, khiến cuộc chiến bảo vệ tác quyền cho các tác giả không còn đơn độc, nhưng cũng khiến lợi nhuận doanh thu bị chia sẻ. Trong khi với thời đại của công nghệ số, sự bóc tách minh bạch bao giờ cũng là lựa chọn hàng đầu cho các nghệ sĩ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần