Phải chạy nhanh hơn

Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018.

Kết quả Việt Nam xếp hạng 55 trên tổng số 137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Đây có thể coi là một kết quả đáng mừng cho những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được cải thiện. Trong đó những cải thiện đáng chú ý là mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động.
 Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Hải Linh
Bên cạnh đó, ngoại thương là một yếu tố lớn khác giúp Việt Nam tiến lên phía trước khi đứng thứ 7 về tỷ lệ nhập khẩu so với GDP và thứ 11 về tỷ lệ xuất khẩu. Trước đó, theo chỉ số đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), có những chỉ số Việt Nam nhảy đến 12 bậc so với năm trước. Hiệu quả đó được đánh giá bằng chỉ số thu hút đầu tư tăng đều, mức độ phát triển DN đều tăng.

Tuy nhiên, nhìn sang các nền kinh tế khác trong khu vực, họ không chịu “giậm chân tại chỗ” chờ Việt Nam mà đang có những bứt phá xa hơn. Cũng theo kết quả mà WEF, các quốc gia Đông Nam Á đều có sự tiến bộ 1 – 2 bậc trong báo cáo năm nay, với thứ hạng rất cao như Singapore (thứ 3), Malaysia (thứ 23), Thái Lan (thứ 32). Đặc biệt, Indonesia năm nay xếp hạng 36/137 quốc gia (tăng từ vị trí 41 vào năm ngoái) nhờ đạt được sự cải thiện ở 10 trong 12 tiêu chí đánh giá, về sức khỏe, giáo dục và hạ tầng. Tính chung trong 5 năm qua, Indonesia đã tăng 14 bậc.

Nghị quyết 19/NQ - CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đặt mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines). Cụ thể, khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu, tiếp cận tín dụng (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới) thuộc 40 nước đứng đầu, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc 60 nước đứng đầu… Năm 2017, phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục gồm: Thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan không quá 77 ngày, tiếp cận điện năng không quá 35 ngày… Như vậy có thể thấy mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định nhưng vì các nước trong khu vực cũng chuyển biến nên kinh tế trong nước vẫn bị bỏ lại khá xa.

Chính vì thế, đã đến lúc cần phải nghiêm túc, thận trọng rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật, khuyến khích và bảo đảm đầu tư, kinh doanh; xử lý, tháo gỡ, giải nhanh chóng, dứt điểm những thách thức đặt ra với nền kinh tế. Hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.