Phải được khắc phục công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, những bất cập trong đầu tư phát triển hạ tầng bằng hình thức PPP phải được khắc phục công khai, minh bạch, chặt chẽ.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - TS Nguyễn Đức Kiên 
Ngày 19/6 tới Nghị định 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nhưng những vướng mắc lớn như công khai, minh bạch, lợi ích các bên chưa được rõ ràng. Vì sao vậy, thưa ông?

- Nghị định 63 mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ngoài vốn NSNN (vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài). Nhà nước có thể sử dụng nhiều nguồn lực khác để tham gia, hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh linh hoạt trong việc sử dụng. Đây là điểm tích cực khi vừa qua Hà Nội kiến nghị với một số dự án không sử dụng vốn ODA mà sử dụng vào một số nguồn lực khác, giảm thiểu áp lực ngân sách…

Tuy nhiên những bất cập cũng được chỉ ra. Đó là hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, chưa phù hợp thực tế. Cái yếu nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ sở pháp lý của BOT, BT là hiện nay chúng ta vẫn chỉ đạo việc rà soát lập theo nghị định chứ chưa được phát triển hóa bằng luật. Như vậy, ngay cả khi thực hiện Nghị định 63 thì vẫn bị chi phối bằng những luật khác thì những vướng mắc khó có thể giải quyết triệt để ở tầm Nghị định.

Rõ ràng việc nâng cấp quy định về PPP từ cấp Nghị định lên cấp Luật là cấp thiết?

- Thực tiễn cho thấy, hoạt động đầu tư theo hình thức PPP chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật DN, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường… Trong khi, các luật trên tiếp cận theo quan điểm điều chỉnh khác nhau, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP. Việc ban hành Luật tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ cho hình thức đầu tư này là cần thiết. Ngay bản thân Bộ KH&ĐT cũng thấy được và đang xây dựng Luật, sớm nhất đến năm 2020 sẽ trình dự thảo luật lên Chính phủ. Như vậy, nếu tính cả thời gian trình Dự Luật ra Quốc hội thì sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2021 Quốc hội mới có thể thông qua Luật này.

Điều này đồng nghĩa với việc phải mất ít nhất 3 năm nữa, Luật về PPP mới chính thức được ban hành, trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng lại không thể chờ được, vậy trước mắt cần phải có những phương thức quản lý thế nào?

- Khi chưa có khung pháp lý được thiết kế hoàn chỉnh thì cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng đối với các dự án PPP từ khâu quy hoạch, kế hoạch, thẩm định phê duyệt dự án đến quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao, đưa công trình vào khai thác, vận hành, thời gian thu phí… đảm bảo lợi ích đầy đủ cho cả 3 bên Nhà nước - DN - người dân. Kiểm tra, giám sát, kiểm toán cũng nên đi vào ngay từ khi hình thành đến khi quyết toán dự án.

Với việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất, đổi đất lấy hạ tầng là mảnh đất màu mỡ để các DN “sân sau” và quan tham cấu kết và trục lợi tài sản công thì nay Chính phủ yêu cầu phải đấu giá khi giao đất, bảo đảm xác định đúng giá trị tài sản, giá trị quyền sử dụng đất. Cuối cùng, Nghị định 63 sắp có hiệu lực, định hướng xây dựng Thông tư hướng dẫn phải đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!