Phải minh bạch hơn trong kê khai tài sản

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguy nga, tráng lệ - đó là mỹ từ được dùng để miêu tả những ngôi biệt thự, biệt phủ của một số quan chức được báo chí phát hiện thời gian gần đây.

Nhiều người giật mình đặt câu hỏi “cán bộ, công chức thôi sao mà lắm tiền thế”, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đó mới chỉ là thiểu số “không may” bị đưa ra công luận. Điều đó cho thấy, công tác kê khai tài sản và kiểm tra, giám sát cần phải chấn chỉnh, để không còn những “con voi chui lọt lỗ kim”.

Ngày càng nhiều biệt thự khủng

Bên cạnh nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh, một trong những sự việc làm nóng hành lang Quốc hội đang diễn ra là biệt phủ hoành tránh của gia đình Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Quần thể trên tọa lạc ở một vị trí đắc địa tại TP Yên Bái, gồm một ngôi biệt thự thiết kế kiểu giật tam cấp, lưng tựa đồi, nhìn ra hồ nước, có thiết kế phần động đá, trồng cây, hoa… như một khu du lịch sinh thái. Ngoài cơ ngơi “siêu khủng” tọa lạc trên vị trí đắc địa, thông tin về việc biến đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực này cũng đáng nghi ngại. Theo đó, chỉ trong vòng 1 ngày (20/7/2015), 6 quyết định liên tiếp được các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái ký để chuyển đổi hơn 13.000m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình vị Giám đốc Sở TN&MT tỉnh. Ngay sau khi báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng Yên Bái mới rốt ráo vào cuộc kiểm tra.

Cơ ngơi “siêu khủng” của gia đình Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Ảnh: Bảo Lâm

Không chỉ có ở TP Yên Bái, hàng loạt biệt thự khủng ở các địa phương khác của một số quan chức cũng được chỉ rõ “có nhiều vấn đề”. Như lô biệt thự ở vị trí đất vàng tại tỉnh Lào Cai mà chủ nhân toàn là những người nắm giữ cương vị chủ chốt của tỉnh này. Hay Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng Đặng Văn Ngọ xây biệt thự “chui” trên diện tích đất 6.500m² chưa chuyển mục đích sử dụng đất, không giấy phép xây dựng và cũng chưa bị xử phạt lần nào. Trước đó, nguyên Trưởng phòng Sở Xây dựng Thanh Hóa là Trần Vũ Quỳnh Anh dù gia cảnh “thường thường bậc trung” nhưng cũng sở hữu biệt thự nhiều tỷ đồng. Rồi gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk bị phát hiện xây biệt thự hai tầng trái phép trên đất nông nghiệp. Ông Kỷ cho biết, để có được căn nhà là công sức của hai vợ chồng khi vợ ông buôn bán nhiều ngành hàng, còn ông thời trẻ thường… chạy xe ôm ngoài giờ làm thâu đêm.

Xử lý thật nghiêm minh nếu có sai phạm

Đưa ra ý kiến về việc gần đây có nhiều quan chức ở một số địa phương xây dựng dinh thự lớn, khiến dư luận hoài nghi về nguồn gốc số tiền mà họ bỏ ra xây dựng cũng như mua bất động sản, một số ĐB Quốc hội cho rằng, bất động sản, nhà ở là tài sản quan trọng của mỗi gia đình, con người, thể hiện phần nào kinh tế của họ. Các quan chức là người ăn lương Nhà nước và trong xã hội hiện nay chúng ta vẫn tạo điều kiện để họ có nguồn thu nhập chính đáng, như tham gia các hoạt động kinh tế, thừa kế tài sản… Nhưng rõ ràng nếu tài sản ở mức vượt quá suy nghĩ của người dân thì việc họ đặt ra câu hỏi là hoàn toàn chính đáng.

Theo ĐB Dương Trung Quốc, tốt nhất cần làm sáng tỏ chuyện này. Nếu công chức có được tài sản chính đáng thì điều đó cũng là sự khích lệ cho mọi người còn nếu không minh bạch thì cũng là phương thức giám sát tốt nhất. “Hiện nay T.Ư quan tâm tới đối tượng mà T.Ư quản lý thì địa phương cũng phải như vậy. Tôi cho mọi sự minh bạch đều có lợi cho tất cả, chỉ có những người không minh bạch người ta mới sợ" - ĐB Dương Trung Quốc nói.

Đề cập đến ý kiến cho rằng kê khai tài sản hiện nay đang mang tính hình thức, bởi lẽ ai cũng biết lương của quan chức sẽ không đủ để xây những dinh thự “khủng”, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng: Hiện nay vấn đề tài sản, thu nhập của chúng ta có vấn đề khi còn duy trì một hệ thống tài chính tiền mặt lớn và sự thiếu minh bạch, đồng bộ. Ở nhiều quốc gia, nhà nước thu thuế tài sản, thuế thu nhập... Chúng ta mới bắt đầu triển khai thu thuế thu nhập, còn tài sản chúng ta đang chuẩn bị và như vậy đang có khoảng trống. Tuy nhiên, những gì mang lại dư luận không tốt chúng ta phải giải tỏa bằng cách minh bạch hóa. Đây cũng là cơ hội cho những người có tài sản chân chính làm rõ, còn mù mờ sẽ không có lợi.

ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta không làm đến nơi đến chốn sẽ dẫn đến việc coi thường dư luận. Nên, phải làm cho rõ ràng ra còn hiện tượng đó đến mức độ nào thì phải có điều tra đầy đủ. Quyền tài sản là quyền hết sức chính đáng nhưng tài sản phải minh bạch. Thời gian tới, khi chúng ta triển khai những việc liên quan đến thuế về tài sản thì chắc chắn sẽ có cơ chế pháp luật rõ hơn. Còn bây giờ, nên chủ động làm trước, nhất là đối tượng này đều liên quan đến lãnh đạo”. Có như vậy, mới hạn chế được tình trạng giàu nhanh đến bất thường của không ít người khi bước vào con đường quan lộ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong:Kê khai tài sản cả người thân

Các quan chức cho người thân đứng tên tài sản sẽ khó khăn cho việc giám sát, kiểm soát. Ai đứng tên tài sản đó không phải là vấn đề mà điều cần làm là phải chứng minh được nguồn tài sản đó có được trong quá trình làm ăn của người đứng tên như thế nào, có đúng là do làm ăn chân chính để tạo ra được hay không? Đối với quan chức, ngoài việc phải kê khai tài sản cũng cần phải kê khai tài sản của người thân ở trong gia đình để nhìn nhận nguồn gốc tài sản từ đâu mà ra. Lúc đó tất cả mọi việc sẽ khách quan hơn, dư luận có cơ sở để đánh giá được cán bộ có trung thực hay không.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Lê Thị Thủy: Sẽ không có “vùng cấm”

Trong Quy định 85 đã nói rõ, toàn bộ cán bộ là đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi có 3 căn cứ sau sẽ kiểm tra, giám sát. Thứ nhất, khi cơ quan và tổ chức có thẩm quyền ban hành kế hoạch, yêu cầu kiểm tra, giám sát. Thứ hai là xuất hiện đơn thư, kiến nghị, phản ánh có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực của cán bộ. Cuối cùng, khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản. Việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ cấp cao là nhiệm vụ của các cơ quan mà trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Khi được giao nhiệm vụ, Ủy ban sẽ căn cứ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước để thực hiện và không có “vùng cấm”, đồng nghĩa với việc không né tránh. Sau khi thực hiện kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ. Trên cơ sở đó các cơ quan báo chí sẽ thông tin rộng rãi để Nhân dân được biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần