Phải quản lý Uber, Grab như taxi

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/3, tại cuộc họp với Ban Soạn thảo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ - CP, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã cho thấy quan điểm rõ ràng, quyết liệt đối với việc quản lý loại hình taxi công nghệ, tiêu biểu là Uber và Grab taxi.

Vụ Vận tải lòng vòng quan điểm

Tại buổi họp, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, hiện vẫn có những tranh luận gay gắt trong việc làm sao quản lý được Uber, Grab và xe hợp đồng. Ông Ngọc đề xuất quản lý Uber, Grab như xe hợp đồng, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ trích gay gắt quan điểm này. Ông Thể nhấn mạnh: “Taxi là taxi, không phải xe hợp đồng. Uber, Grab là taxi, không phải xe hợp đồng”. Vị lãnh đạo Bộ GTVT đặt câu hỏi: “Nếu gọi là xe hợp đồng, người dân bị cướp giật trên xe mà không xử lý được, lái xe có thể là tội phạm, không bằng lái, các anh có quản lý được không?”, đồng thời cho rằng Vụ Vận tải vẫn lòng vòng khi bảo vệ quan điểm Uber, Grab là xe hợp đồng.
 Khách hàng sử dụng phần mềm gọi taxi Uber trên đường Lê Duẩn. Ảnh: Chiến Công
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, Nghị định sửa đổi trước hết phải đảm bảo được quyền và lợi ích của người sử dụng dịch vụ thì mới cho Uber, Grab chính thức hoạt động. Không có chuyện cho Uber, Grab hoạt động mà không chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam. Ông Thể bày tỏ: “Tôi bảo vệ người dân, tôi yêu cầu bất cứ sự cố nào xảy ra với người dân, quyền lợi của họ phải được đảm bảo”. Ông hoan nghênh việc áp dụng công nghệ mới vào kinh doanh vận tải để làm lợi cho người dân.
Tuy nhiên, Uber, Grab muốn hoạt động kinh doanh phải đảm bảo an toàn cho người dân, phải nộp thuế, xây dựng biểu giá cước công khai, minh bạch. Nếu coi Uber, Grab là taxi thì phải quản lý số lượng, không thể mới 3, 4 năm mà số lượng xe tăng tới mấy chục nghìn, vượt cả taxi truyền thống, mà cơ quan quản lý không nắm rõ, không quản lý được. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ GTVT còn khẳng định: “Uber, Grab hay taxi truyền thống bản chất là như nhau. Nếu họ (taxi công nghệ - PV) chấp nhận hoạt động chịu sự quản lý như taxi truyền thống thì chúng ta đồng ý. Nếu họ không chấp hành nghiêm thì xin mời họ ra khỏi Việt Nam”.

Sẵn sàng chịu trách nhiệm

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, việc đưa ra Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ - CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đang rất được dư luận xã hội quan tâm, mong đợi. Bởi thời gian qua, có quá nhiều bất cập phát sinh, dẫn đến hàng loạt hệ lụy phức tạp về giao thông, an ninh, trật tự xã hội cũng như sự xáo trộn, bất ổn đến mức nghiêm trọng thị trường kinh doanh vận tải khách bằng ô tô. Trong đó, hai loại hình mới phát sinh gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nhất là: taxi công nghệ (Uber, Grab…) và xe khách đội lốt xe hợp đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban Soạn thảo tiếp thu các vấn đề cuộc họp đã nêu để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định mới trước khi trình Chính phủ. Trong đó đặc biệt chú ý đến các điều kiện quản lý Uber, Grab. Bản chất 2 DN này là đơn vị kinh doanh vận tải, do đó phải đưa ra được các quy định, yêu cầu thực hiện đúng pháp luật.
Ví dụ như: phải thành lập DN, có trụ sở, đăng ký kinh doanh và con dấu. Uber, Grab phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với người lao động, kể cả trong trường hợp rủi ro; phải chịu trách nhiệm liên đới trước hành khách khi có sự cố xảy ra. “Lần này, nếu sửa đổi Nghị định để ban hành mà không ổn, kể cả Thủ tướng phạt tôi, tôi cũng chịu, miễn sao làm bằng được các quy định cho chặt chẽ” - ông Thể bày tỏ.

Ngoài taxi công nghệ, một vấn đề “nóng” khác cũng được nhắc tới tại buổi họp là quản lý xe hợp đồng. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền thừa nhận, xe dù, bến cóc đang phức tạp, đặc biệt là loại hình xe khách đội lốt xe hợp đồng, xe limousine. Bà Hiền cho rằng nên đưa loại hình này vào quản lý, có bến bãi, tạo điều kiện cho các địa phương nâng chất lượng dịch vụ vận tải khách. Tuy nhiên, quan điểm này cũng vấp phải sự phản đối của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
“Chúng ta không thể biến đô thị thành nơi có hàng trăm nghìn bến xe, không thể biến tất cả bến cóc thành bến xe chính thức” - ông Thể nhấn mạnh.
Cần mạch lạc trong quản lý kinh doanh vận tải, không lấy cái sai để sửa cái sai. Vấn đề xe dù, bến cóc còn rất khó quản lý, do đó cần phải sửa quy định để quản lý chặt chẽ hơn.
Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Thanh Hà

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần