Phản biện đề án thu hút nhân tài cho TP Hồ Chí Minh: Tránh tình trạng “dưới thảm đỏ có đinh”

Đoàn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Lâu nay chúng ta hay nói trải thảm đỏ mời gọi người tài nhưng thực tế nhiều lúc, nhiều nơi bên dưới thảm lại có nhiều đinh và chính các thủ tục hành chính là những cái đinh đáng sợ” - GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên Hiệp khoa học và Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ngày 5/3, tại hội nghị phản biện dự thảo đề án về thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2022 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài cho TP.
Quang cảnh hội nghị.

Cần người tài, tránh tình trạng “rải đinh dưới thảm đỏ”

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, thu hút nhân tài thì mình cần người ta chứ không phải người ta cần mình. Muốn thu hút người tài thì trước hết phải biết người ta cần gì? Làm việc cho ta thì họ được cái gì? Làm chỗ này hơn chỗ khác ra sao? Do đó, để thu hút nhân tài, chính sách nhập cư của TP nên ưu tiên thu hút lao động có trình độ và kỹ năng cao; không phân biệt giữa các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học Việt kiều; các nhà khoa học sẽ hưởng lợi ích tương xứng với giá trị mà họ tạo ra.

Cũng theo GS Giao, lâu nay chúng ta hay nói trải thảm đỏ mời gọi người tài nhưng thực tế nhiều lúc nhiều nơi bên dưới thảm lại có nhiều đinh và chính các thủ tục hành chính là những cái đinh đáng sợ. Cần tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học, xây dựng cơ chế phối hợp giữa chuyên gia trong và ngoài nước để tiếp thu công nghệ tiên tiến, hiện đại; cho phép các tổ chức khoa học và công nghệ được thực hiện chế độ lao động hợp đồng để giảm bớt rào cản đối với các nhà khoa học Việt kiều trong các nghiên cứu ngắn hạn; mở rộng cơ chế hỗ trợ tài chính cho chuyên gia với nhiều hình thức đa dạng hơn; cần chú trọng công tác khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học có những đóng góp xuất sắc và nổi bật.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ TP đề nghị Đề án cần làm rõ những cơ chế chính sách hiện tại mà TP đang dành cho các nhà khoa học, các chuyên gia đã thỏa mong muốn của các nhà khoa học, chuyên gia hay chưa? Đề án cần làm rõ hơn môi trường để các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp và hạn chế sự ràng buộc, vì mỗi khi có sự ràng buộc thì các chuyên gia, nhà khoa học không được tự do cống hiến.
 GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM.
Cần ươm mầm nhân tài, tách riêng đối tượng thu hút

Tại hội nghị, theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Trưởng khoa Khoa học Quản lý Trường Đại học Thủ Dầu Một: TP Hồ Chí Minh có lợi thế trong việc thu hút mọi người về làm việc. Do đó, vấn đề hiện nay là cần tạo ra hệ sinh thái làm việc tương đối hài hòa hơn, chứ không sẽ xảy ra tình trạng thu hút người tài từ nơi khác về, trong khi đó người tài tại chỗ có khả năng đi nơi khác. Bởi vì người ta sẽ có sự so sánh giữa người mới tới và người làm việc lâu ngày có đóng góp nhưng không được ghi nhận. Việc thu hút một chuyên gia đầu ngành vấn đề không phải nằm ở bằng cấp, năng lực chuyên gia đó mà là giá trị thặng dư của chuyên gia đó mang lại là mạng lưới các chuyên gia xoay quanh chuyên gia này.
TS Trương Minh Huy Vũ - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, nên tách hai đề án ra, một đề án về chuyên gia làm việc nghiên cứu khoa học, một đề án thu hút những người có khả năng làm việc ở các sở, ban, ngành. Phải đa dạng trong việc thiết kế đầu vào và cách tiếp cận trong bố trí công việc, một tiến sĩ, giáo sư chưa chắc đã làm trưởng phòng của một sở tốt mà chỉ nghiên cứu thôi. Đánh giá người được thu hút có phù hợp với lĩnh vực được thu hút hay không?
Đồng ý với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP, cũng đề nghị nên tách riêng đối tượng thu hút nhân tài để có từng tiêu chí phù hợp riêng; độ tuổi cần nêu rõ trong từng đối tượng. Về lương phải có tính đồng bộ giữa các đối tượng dựa trên hiệu quả công tác; cần giao quyền quyết định cho các đơn vị có nhu cầu thu hút nhân tài.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu phát biểu kết luận
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đỗ Văn Đạo cho biết: Ban soạn thảo đề án tiếp thu đầy đủ và tổng hợp ý kiến góp ý để báo cáo UBND TP. Trong đó, tập trung vào 5 nhóm là đối tượng tham gia đề tài, phương án cách thức tuyển chọn, các chế độ chính sách đối với các chuyên gia, cấp có thẩm quyền để xét chọn, tuyển chọn và tính khả thi đề án.

Ông Đạo khẳng định, đề án này chủ yếu để thu hút chuyên gia và người tài chứ không phải tuyển chọn cán bộ công chức. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tách riêng biệt hai phần của đề án sắp tới. Một là thu hút chuyên gia, người tài để thực hiện các đề án, các đề tài của TP và các sở, ngành và những cái đề án, đề tài này thì công khai, minh bạch rõ ràng. Thứ hai là đối tượng nhà khoa học, lao động sáng tạo trẻ.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu cho hay: Đây là đề án thứ 4 thông qua MTTQ Việt Nam TP mời các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm góp ý, phản biện các vấn đề, nội dung mà UBND TP trình HĐND TP thông qua trong kỳ họp tới. Đây là một trong 4 đề án rất được quan tâm và trên cơ sở các ý kiến góp ý MTTTQ Việt Nam TP tổng hợp gửi UBND TP hoàn thiện đề án. Qua các ý kiến góp ý đồng tình với chủ trương chung làm sao thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia, lao động sáng tạo trẻ… để góp vào sự phát triển chung của TP.