Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phản biện xã hội: Mũi nhọn của thực hiện dân chủ

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những “mũi nhọn” thực hiện dân chủ trong MTTQ là công tác giám sát và phản biện xã hội (GS&PBXH).

Riêng về công tác PBXH, qua thực tế triển khai hoạt động này, Hà Nội là điển hình để các tỉnh, TP khác có thể tham khảo.
Chủ động trong phối hợp
Tại Hà Nội, MTTQ các cấp trên địa bàn TP đã chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch GS&PBXH, tham gia góp ý việc thực hiện Nghị quyết của HĐND các cấp; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; việc chấp hành các chính sách của TP, địa phương, đơn vị... 5 năm qua, MTTQ từ TP đến cơ sở đã tổ chức 6.326 đoàn giám sát, 2.594 hội nghị PBXH các tờ trình, dự thảo Nghị quyết HĐND, Quyết định, Quy định của UBND các cấp trình tại kỳ họp.
Thông qua hoạt động GS&PBXH, nhiều ý kiến, kiến nghị của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã được tiếp thu, là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.
Xác định GS&PBXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong 5 năm (2014 - 2019), MTTQ các cấp trên địa bàn quận Ba Đình đã tổ chức 138 cuộc giám sát; tham gia 349 cuộc giám sát việc thực hiện chính sách đối với những người có công; việc thu - chi các loại quỹ do Nhân dân đóng góp; công tác quản lý VSATTP, quản lý trật tự xây dựng, các dự án GPMB...
Ngoài ra, đã tổ chức 139 hội nghị PBXH, 134 cuộc đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp, văn kiện Đại hội MTTQ các cấp, Điều lệ MTTQ Việt Nam...; góp ý dự thảo kế hoạch thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều và giảm nghèo bền vững...
Tại huyện Thanh Trì, các đề án có liên quan đến đời sống dân sinh đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu là thành viên Ban Tư vấn, các tổ tư vấn. 5 năm qua, MTTQ huyện và cơ sở đã tổ chức 87 cuộc giám sát độc lập, 359 cuộc phối hợp giám sát với HĐND, các ban, ngành đoàn thể huyện và Viện KSND huyện; tổ chức 174 hội nghị PBXH. UBND các cấp đã tiếp thu chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật, qua đó tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Phát huy vai trò tập hợp
Ngoài tính chủ động trong công tác phối hợp giữa mặt trận và chính quyền cơ sở các cấp, sở dĩ chất lượng công tác PBXH của Hà Nội làm tốt bởi TP là nơi tập hợp một lực lượng lớn trí thức, các chuyên gia đầu ngành trên tất cả các lĩnh vực, có tâm huyết đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển TP. Ý kiến của các chuyên gia đóng góp tại hội nghị PBXH cấp TP đều được đánh giá là xác đáng, sát với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, mặc dù chất lượng PBXH của từng cấp đã được nâng cao nhưng lại giảm dần từ cấp TP xuống cơ sở. Đây cũng là thực tế chung trong công tác mặt trận ở tất cả các địa phương.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương, để có thể nâng cao được chất lượng phản biện, MTTQ phải làm tốt vai trò tập hợp, quy tụ những người giỏi nhất, có uy tín trong lĩnh vực đó. Đồng thời, phải phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, người uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, chức sắc tôn giáo và chuyên gia các lĩnh vực trong việc tham gia giám sát, phản biện của MTTQ.
Trước khi ban hành các quyết sách, nội dung có tác động trực tiếp tới quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân, MTTQ cần lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền cùng cấp giải quyết.
Ngược lại, các cấp ủy, chính quyền cũng cần đề nghị MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phản biện trước khi ban hành, tiếp thu những ý kiến đóng góp để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, tránh tình trạng chủ trương, quyết sách khi ban hành không đi vào cuộc sống.