Phân cấp kinh tế - xã hội đi cùng phân cấp nhiệm vụ chi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/3, các đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP tiếp tục làm việc với Sở VHTT&DL, Sở LĐTB&XH TP về thực hiện Nghị quyết HĐND TP về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giai đoạn 2011 - 2015.

Phân cấp quản lý di tích chưa đi kèm ngân sách

Phân cấp trong quản lý di tích là một trong những vấn đề được quan tâm trong cuộc làm việc của đoàn giám sát với Sở VHTT&DL. Theo lãnh đạo Sở VHTT&DL, trong Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND năm 2011 phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, TP trực tiếp quản lý 12 di tích trọng điểm, các di tích còn lại thuộc sự quản lý của quận, huyện, thị xã. Sau đó, đến năm 2014, TP có Quyết định số 12, trong đó cũng có một số thay đổi, TP chỉ còn quản lý toàn diện 10 di tích tiêu biểu; các quận, huyện, thị xã quản lý các di tích đã được xếp hạng còn lại; cấp xã, phường, thị trấn quản ý các di tích chưa được xếp hạng. Sở cũng có thêm trách nhiệm nghiên cứu, kiểm kê xếp hạng, lập hồ sơ tư liệu, hồ sơ khoa học về di tích….
Khách tham quan bia Tiến sĩ tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 	Ảnh: Công Hùng
Khách tham quan bia Tiến sĩ tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Công Hùng
Với số lượng 5.000 di tích, lớn nhất cả nước, việc phân cấp này được cả Sở và các quận, huyện đánh giá là tốt và đề nghị tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, một vướng mắc cũng được chỉ ra, nhiều địa phương quản lý một khối lượng di tích lớn, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng, nhưng trong phân cấp nhiệm vụ chi lại không có ngân sách cho lĩnh vực này. Do đó, việc tu bổ, trùng tu di tích vẫn chỉ trông nhiều vào nguồn xã hội hóa. Nguồn lực cho việc quản lý di tích cũng mỏng, dẫn đến việc sát sao trong giám sát, kiểm tra các di tích vốn xã hội hóa cũng chưa được chặt chẽ… Giám đốc Sở VHTT&DL Tô Văn Động cũng cho rằng: Thực tế, số lượng di tích có thể còn lớn hơn con số 5.000, bởi hiện vẫn đang rà soát, chưa thống kê hết. Sở cũng đã trình TP đầu tư tu bổ các di tích, nhưng số lượng di tích xuống cấp nhiều, kinh phí không thể đáp ứng được. Đề nghị TP khi phân cấp kinh tế, xã hội thì phân cấp luôn cả ngân sách bảo đảm việc trùng tu, tôn tạo di tích; trường hợp nguồn ngân sách hạn hẹp, TP có thể trích quỹ dự phòng để đầu tư chống xuống cấp những di tích theo thứ tự ưu tiên.

Lãnh đạo Sở cũng đưa ra những điểm vướng khác cần khắc phục trong phân cấp giai đoạn tới với tượng đài, công trình văn hóa. Ví như tượng đài Lênin, Sở Xây dựng quản lý sân, quận Ba Đình quản lý vườn hoa, nhưng tượng đài thì không ai quản. Với những lĩnh vực khác Sở được phân cấp như quảng cáo, vũ trường, karaoke, Sở VHTT&VL cho rằng nên phân cấp cho quận, huyện. Sở sẽ làm quy hoạch, quy chế, thanh tra kiểm tra…

Chia sẻ với những khó khăn của Sở và cả các quận, huyện trước việc được phân cấp quản lý di tích, nhưng vẫn thiếu nguồn lực trong tu bổ, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Nguyễn Văn Nam cho rằng: Nguồn duy tu di tích và lực lượng quản lý, Sở cần dựa trên cơ sở Luật Di sản tham mưu rõ với TP về nguồn chi, phạm vi chi. Trên quan điểm, nơi nào làm tốt thì phân cấp, ủy quyền. Đồng thời, kiểm kê tổng thể các di tích, đánh giá giá trị, lập hồ sơ trùng tu di tích để phát huy giá trị.

Cần nguồn lực phục vụ việc phân cấp

Tại cuộc làm việc giữa đoàn giám sát và Sở LĐTB&XH, trong tất cả các lĩnh vực ngành quản lý đều đã được phân cấp giữa Sở và các quận, huyện và lãnh đạo Sở cũng khẳng định việc phân cấp này khiến công tác quản lý Nhà nước được bám sát hơn. Như trong lĩnh vực lao động việc làm, đã phân cấp cho quận, huyện xác nhận thang bảng lương, thỏa ước lao động tập thể với DN có dưới 50 lao động (chiếm 85% tổng số DN). Tuy nhiên, một số nơi hiệu quả chưa cao, quá trình triển khai còn lúng túng do chủ yếu mới thực hiện phân cấp công việc, chưa bố trí kinh phí và tăng cường về nhân lực cho nơi được phân cấp.

Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Khuất Văn Thành, trong tất cả các lĩnh vực Sở quản lý đều có sự phân cấp rõ đến địa phương, nhưng vì lĩnh vực quản lý rộng, đối tượng quản lý đông; cán bộ ở cấp quận, huyện thiếu, yếu và một số kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ. Khi phân cấp nhiệm vụ, TP cần đồng thời với phân cấp về nhân lực tài chính và các điều kiện khác, đảm bảo điều kiện để thực hiện được nhiệm vụ. Sở LĐTB&XH cũng đề nghị TP phân cấp cho cấp quận, huyện tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của các DN để kiểm tra, theo dõi; phân bổ  kinh phí cho cấp quận, huyện, thị xã thực hiện việc dạy nghề cho người khuyết tật…

Với vấn đề đoàn giám sát đặt ra là chi trả cho đối tượng người có công hưởng ưu đãi hàng tháng, đại diện Sở cho biết, theo quy định mới đã phân cấp về cho ban chi trả trợ cấp người có công tại các xã, phường, không có gì vướng mắc. Về tiền hỗ trợ hỏa táng, thực tế đã được phân cấp về địa phương, để có thể chi trả luôn cho người dân, tránh thủ tục đi lại rườm rà, nhưng chính các xã, phường thường không lập danh sách kịp thời để trình quận, huyện phê duyệt. Đó là nguyên nhân của chậm chễ.

Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt đề nghị Sở xác định rõ trách nhiệm, dù phân cấp cho cấp nào, Sở vẫn phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực quản lý. Đồng tình với những kiến nghị của Sở như phân cấp việc cấp thẻ đi xe buýt cho người khuyết tật theo hướng xã lập danh sách trình cấp huyện duyệt… Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị Sở tiếp tục rà soát các lĩnh vực được phân cấp, những vấn đề gì có thể tiếp tục phân cấp để đảm bảo tính hiệu quả, nhanh về thủ tục nên đề xuất. Cùng với các sở, ngành tham mưu, phân cấp cũng cần đi kèm theo nguồn lực và trách nhiệm thực hiện.