Phân công rõ người, rõ trách nhiệm khi giải quyết TTHC tại huyện Đông Anh

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Nhận thức được mấu chốt hiệu quả của công tác cải cách hành chính (CCHC) nằm ở chất lượng đội ngũ cán bộ, những năm qua, huyện Đông Anh đã chủ động các giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ làm việc trong lĩnh vực này.

Chậm hoàn trả hồ sơ phải xin lỗi người dân
Sáng sớm, bà Lê Thị Thanh, ở xã Uy Nỗ đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) một cửa của UBND huyện Đông Anh làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm nay gần 65 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên bà Thanh tới cơ quan công quyền để làm thủ tục liên quan tới đất đai. Dù vậy, bà cũng không phải mất quá nhiều thời gian. Đến nơi, bà được cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai hướng dẫn kê khai đầy đủ thông tin vào các loại giấy tờ cần thiết. Sau khi lấy số thứ tự, ngồi xếp hàng để làm thủ tục, chỉ khoảng 30 phút sau, bà nhận được giấy hẹn trả kết quả.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính một cửa huyện Đông Anh hỗ trợ người dân làm thủ tục.

Cũng giống như bà Thanh, nhiều người lớn tuổi hoặc không quen với việc khai thông tin liên quan tới các TTHC đã được cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC một cửa hướng dẫn chu đáo. Những người trẻ hơn có thể dễ dàng tự mình điền các thông tin cần thiết thông qua một loạt tờ khai hướng dẫn được bố trí tại bàn. Bên cạnh đó, quy trình giải quyết và mức lệ phí thu đối với 18 TTHC phổ biến cũng được niêm yết công khai để người dân nhận biết.
Theo anh Lê Phú Lợi - cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Đông Anh (Sở TN&MT Hà Nội), đối với các văn bản TTHC, cán bộ được yêu cầu lưu số điện thoại và địa chỉ của người làm thủ tục. Đến ngày hẹn trả kết quả, nếu người dân không tới nhận, cán bộ sẽ có trách nhiệm gọi điện nhắc. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề nảy sinh khiến việc hoàn trả hồ sơ bị chậm, cán bộ phụ trách có nghĩa vụ phải gọi điện xin lỗi, nêu lý do và hẹn ngày trả hồ sơ mới cho người dân. Ông Nguyễn Tuấn Hà - Trưởng phòng Nội vụ huyện Đông Anh cho biết, xin lỗi người dân khi chậm hoàn trả hồ sơ cũng là quy tắc ứng xử được phòng tiếp nhận TTHC các cấp huyện Đông Anh quán triệt tới cán bộ phụ trách đơn vị, nhằm mục tiêu đạt sự hài lòng cao nhất từ phía người dân.
Tiếp tục nâng cao trình độ cán bộ
Thống kê của UBND huyện Đông Anh cho thấy, số hồ sơ tiếp nhận qua Bộ phận một cửa từ đầu năm 2016 đến nay đạt khoảng 96,3%, trong đó số TTHC giải quyết đúng và trước hạn đạt gần 98%. Kết quả này có được là nhờ sự chuyên nghiệp trong toàn bộ máy. Theo ông Hà, việc giải quyết các TTHC là một quy trình khép kín. Do đó, nếu một khâu làm chậm sẽ kéo theo các công đoạn khác bị chậm theo. Cũng bởi vậy mà địa phương chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phải phân công rõ người, rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai.
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác này, thời gian qua, huyện Đông Anh chủ động đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Từ đầu năm 2015 đến nay đã tổ chức 1 lớp đại học tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Đông Anh và 142 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 22.533 học viên. Trình độ cán bộ tham gia giải quyết TTHC không ngừng được nâng cao; số cán bộ đạt trình độ đại học thuộc khối các cơ quan đoàn thể, các cấp chính quyền hiện đạt trên 73,5%...
Ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, địa phương xác định xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ là một trong 2 nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới phương thức điều hành quản lý và đánh giá năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác CCHC. Cùng với đó, huyện kiến nghị TP, đối với các thủ tục liên thông từ cấp sở trở lên cần quy định rõ thời hạn giải quyết của từng TTHC. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng phần mềm tại bộ phận một cửa.