Phấn đấu 100% cửa hàng có Biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”

D. Tùng - Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp hướng tới mục tiêu phấn đấu 100% cửa hàng có Biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây.

Ngày 01/6/2020, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2228/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2025.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội được triển khai từ năm 2017, đến hết năm 2019 đã có: 809/809 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đã được cấp đăng ký kinh doanh, đạt tỷ lệ 100% (trước Đề án đạt 30%). Trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được tổng số 40 tuyến phố thí điểm không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè (riêng quận Thanh Xuân 11 tuyến, Hà Đông 05 tuyến, Cầu Giấy 08 tuyến, Đống Đa 04 tuyến, Hoàn Kiếm 04 tuyến, Hoàng Mai 02 tuyến). Đánh giá kết quả đạt được như sau:

Đề án đã được các sở, ngành, UBND các quận và toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện. Hầu hết các quận đã quyết liệt chỉ đạo từ Quận ủy, UBND quận đến các phường và nhân dân trên địa bàn. Nhiều UBND các phường, lực lượng công an, giao thông, quản lý thị trường và các đồng chí cán bộ của các địa phương đã tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh trái cây.

Công tác tập huấn, tuyên truyền được thực hiện tốt với nhiều hình thức đa dạng, phong phú từ Thành phố đến các cơ sở. Qua đó, hầu hết các cửa hàng kinh doanh nắm bắt được đầy đủ và có ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các quy định của Đề án trong triển khai thực hiện (tỷ lệ thực hiện việc cấp đăng ký kinh doanh, các loại giấy tờ về ATTP và các điều kiện bảo đảm ATTP tăng cao so với thời điểm trước Đề án); người tiêu dùng đã có ý thức và quan tâm hơn đến việc lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm trái cây an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng kinh doanh trái cây tham gia Đề án và các siêu thị, TTTM.

Công tác điều tra, khảo sát, nắm bắt thực trạng hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước quản lý, hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh trái cây thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP.

Công tác cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các yêu cầu tại Đề án mang lại hiệu quả rõ rệt đối với người kinh doanh và người tiêu dùng: Người tiêu dùng có địa chỉ tin cậy để mua sắm trái cây an toàn phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày; Các doanh nghiệp, cửa hàng được gắn biển có ý thức cao hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, của Đề án trong kinh doanh trái cây an toàn, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; Doanh thu của các cửa hàng tăng khoảng 20-50% so với thời điểm chưa được gắn biển nhận diện,…; một số siêu thị không thuộc đối tượng của Đề án song vẫn đề xuất được tham gia Đề án và được cấp biển nhận diện.

Công tác liên kết vùng, đưa các sản phẩm trái cây đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm thế mạnh của các vùng trên cả nước được quan tâm và triển khai đồng bộ đã góp phần tạo nguồn cung sản phẩm trái cây an toàn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh trái cây qua nhiều hình thức (qua hội nghị kết nối, qua các kênh trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trái cây của Hà Nội và các tỉnh, thành phố…) nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Công tác triển khai xây dựng tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè được triển khai bước đầu đã tạo thói quen cho người kinh doanh thực hiện đúng quy định của pháp luật trong kinh doanh, đảm bảo văn minh thương mại, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp.

Công tác kiểm tra, kiểm soát được tăng cường nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh trái cây an toàn; tình trạng kinh doanh không có giấy phép, không đảm bảo về ATTP, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cơ bản được kiểm soát tốt, tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè giảm nhiều so với thời điểm trước Đề án.

Để tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp hướng tới mục tiêu phấn đấu trong năm 2020 đạt 40%, hết năm 2021 đạt 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các huyện, thị xã có đăng ký kinh doanh; 100% người kinh doanh trái cây có kiến thức, được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP theo quy định; 100% cửa hàng có Biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm lưu giữ được trái cây tươi, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Phấn đấu các tuyến phố tại trung tâm các huyện, thị xã đạt tuyến phố văn minh không có các hộ kinh doanh bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Giai đoạn từ năm 2022 đến 2025: triển khai quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây đồng bộ trên 30 quận, huyện, thị xã (các tuyến phố, khu dân cư) đạt 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện để cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ATTP... xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị (nhất là ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng).