Phấn đấu để huyện Gia Lâm trở thành quận năm 2020

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một huyện ven đô với nhiều lợi thế của một huyện cửa ngõ Thủ đô, những năm vừa qua, Gia Lâm đã tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, với nhiều tiêu chí đạt, huyện Gia Lâm đang tích cực phấn đấu trở thành quận vào năm 2020, theo đúng lộ trình.

Khu Đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm nhìn từ trên cao.
Phát triển toàn diện
Những năm vừa qua, kinh tế - xã hội của huyện Gia Lâm tiếp tục được duy trì và từng bước phát triển ổn định, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế trong 3 năm 2015 - 2017 tăng bình quân 11,25%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 41,2 triệu đồng/người, bằng 1,07 lần so với cả nước. Trên địa bàn hiện có 7 cụm công nghiệp, làng nghề, trong đó có 4 cụm công nghiệp, làng nghề đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 99%. Hiện toàn huyện có 2.518 DN đang hoạt động và hơn 10.000 hộ sản xuất kinh doanh.
4/28 tiêu chí chưa đạt, gồm: 1 tiêu chí về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội là: Cân đối thu chi ngân sách. 3 tiêu chí về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, gồm: Cơ sở y tế cấp đô thị; mật độ đường giao thông đô thị; đất cây xanh công cộng trên địa bàn.
Huyện đã hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới tại 20 xã, tiếp tục hoàn thiện tiêu chí về môi trường để xây dựng Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới trong năm 2018. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đã và đang được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường ngày càng được tăng cường. Văn hóa - xã hội ngày càng phát triển; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến và đổi mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện nhiều năm liên tục ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, đạt kết quả tốt...

Song song với phát triển kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị được huyện Gia Lâm tập trung chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện đã tập trung xây dựng, triển khai và điều chỉnh nhiệm vụ các đồ án quy hoạch trên địa bàn. Thực hiện công bố công khai các đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định. Tổ chức cấp phép xây dựng và thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo quy định.

Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí

Đến thời điểm này, so sánh với các tiêu chí thành lập quận (theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTV Quốc hội), huyện Gia Lâm đã có 24/28 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, chỉ còn 4 tiêu chí chưa đạt. Đối với các xã, thị trấn, so sánh với 16 tiêu chí thành lập phường, đã có từ 8 - 13/16 tiêu chí đạt và cơ bản đạt.
Năm 2018, kinh tế - xã hội của huyện Gia Lâm đạt được kết quả khá toàn diện, hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kế hoạch TP giao, 22/22 chỉ tiêu kế hoạch huyện giao. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 11,65%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 375,8% dự toán TP và huyện giao. Quản lý đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được cải thiện. An sinh xã hội được đảm bảo. Giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Công tác cải cách hành chính có chuyển biến và đổi mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Để hoàn thiện các tiêu chí lên quận theo Đề án “Đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020”, huyện Gia Lâm xác định tiếp tục tập trung phát triển kinh tế; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị; quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; hoàn thiện các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Gia Lâm và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu mà huyện Gia Lâm dự kiến đề ra là, đến năm 2020, quy mô dân số dự kiến đạt khoảng 383.000 người. Về phát triển kinh tế - xã hội, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,2%/năm. Hàng năm, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước TP giao; cân đối thu chi ngân sách theo hướng thu nhiều hơn chi. Thu nhập bình quân đầu người đạt 59,6 triệu đồng/người/năm (cao hơn 1,15 lần mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước). Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt trên 93,65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%; giải quyết việc làm bình quân hàng năm đạt trên 7.900 lao động; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%.

Về phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị, huyện Gia Lâm phấn đấu mật độ đường giao thông đô thị đạt trên 10km/km2; hệ thống cung cấp nước sạch đến 22 xã, thị trấn đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch tập trung đạt trên 87%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên 94%; xây mới 1 trường THPT công lập; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Bảo đảm 100% nước thải của các cụm điểm công nghiệp và nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường chất lượng; phân loại chất thải tại nguồn và 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Phát triển diện tích không gian xanh đô thị, phấn đấu đạt chỉ tiêu 7,5m2/người. Các tiêu chí khác đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về tiêu chí cơ sở hạ tầng của quận.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức đồng lòng của toàn thể Nhân dân, huyện Gia Lâm sẽ sớm hoàn thành mục tiêu lên quận.