Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng: Vẫn còn lý do để lạc quan

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Knhtedothi - Khi những khủng hoảng của thị trường bất động sản (BĐS) chưa kịp phục hồi, giai đoạn 2 của đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khiến cho khó khăn chồng chất thêm khó khăn.

Phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng được đánh giá là chịu ảnh hưởng lớn nhất, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều lý do để lạc quan về sự phục hồi của phân khúc này.
Tác động từ chính sách
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, năm 2020 đã có một số chính sách pháp luật tác động tích cực đến thị trường BĐS. Trong đó, chính sách được ban hành, như: Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 được Quốc hội thông qua tháng 6/2020 có một số quy định mới để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện hơn so với trước đây như: Quy định cụ thể việc xác định "chủ đầu tư" dự án đầu tư xây dựng; tích hợp thẩm định “thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở” với thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng; mở rộng các trường hợp không phải cấp phép xây dựng…; tăng cường phân cấp trong thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng; đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về Đầu tư, Đầu tư công và pháp luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Các chính sách được sửa đổi, bổ sung sẽ thúc đẩy cho thị trường BĐS hồi phục. (Ảnh: Doãn Thành).
Hay Luật Đầu tư (sửa đổi) 2020 với nhiều nội dung, quy định mới, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và kết hợp với Luật Xây dựng (sửa đổi) đã đảm bảo sựđồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, BĐS. Cùng với đó là nhiều chính sách mới đang được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
“Rất hoan nghênh việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS kết hợp với Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP). Đang tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung đồng bộ các Luật khác có liên quan, để hoàn thiện khung pháp lý, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho thị trường BĐS nhanh chóng phục hồi” - ông Lê Hoàng Châu nói.
Bất động sản du lịch sẽ sớm phục hồi?
Số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng, đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, cả nước hiện có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với 19.878 căn hộ du lịch và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành. Từ đầu năm đến nay, có thêm 5 dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng được cấp phép xây dựng mới tại Khánh Hòa và Phú Yên.
Tuy nhiên, ngành du lịch đang gặp phải nhiều khó khăn. Thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn TP này phải hủy tour, tuyến. Cụ thể như: Vietravel với gần 21.000 tour bị hủy trong cuối tháng 7; Saigontourist với hơn 10.000 tour bị hủy; BenThanh, Lữ hành Fiditour, Hòa Bình, Đất Việt, TST cũng bị hủy từ 5.000 tour trở lên. Trong khi đó, tại Hà Nội, công suất phòng khách sạn 3 - 5 sao giảm tới 55%, doanh thu giảm tới 49% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù gặp khó khăn, nhưng phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi nhanh. (Ảnh: Doãn Thành).
Theo chuyên gia kinh tế - tài chính PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại lây lan ra nhiều địa phương, cho nên các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch, BĐS nghỉ dưỡng. Khi dịch bệnh xảy ra, du khách sẵn sàng hủy hoặc tạm hoãn các kế hoạch du lịch, hoạt động du lịch nghỉ dưỡng đã giảm sút một cách trầm trọng, việc phục hồi, quay trở lại bình thường trong giai đoạn này là rất khó.
“Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, dịch bệnh chỉ tác động trong ngắn hạn, về trung, dài hạn, vẫn còn nhiều lý do để chúng ta có thể lạc quan. Bởi những khó khăn hiện tại vẫn đang nằm trong tính toán mà thị trường cũng như các doanh nghiệp đã xác định trước.
Bên cạnh đó nền kinh tế của của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, trong khi trên thế giới nhiều nước đang tăng trưởng âm. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng hồi phục của nền kinh tế, đặc biệt là khi đã có kinh nghiệm trong việc chống dịch bệnh ở giai đoạn trước” - PGS. TS Định Trọng Thịnh nhìn nhận.