Phản ứng của quốc tế sau khi Tổng thống Maldives ban bố tình trạng khẩn cấp

Nguyễn Phương (Theo AP, CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Maldives Abdulla Yameen vừa ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày giữa lúc nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị lớn, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã đưa ra phản ứng về động thái trên.

Sau khi Tổng thống Maldives Abdulla Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày, đồng thời ra lệnh cho các lực lượng an ninh bắt giữ cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom và 2 quan chức tòa án, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã đưa ra phản ứng về động thái trên.
 Tổng thống Maldives Abdulla Yameen vừa ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày giữa lúc nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị lớn.
Phản ứng trước cuộc khủng hoảng chính trị tại Maldives, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ), ông Antonio Guterres cho biết, ông rất quan tâm đến việc Maldives tuyên bố tình trạng khẩn cấp và việc lực lượng an ninh tham gia khôi phục trật tự tại Tòa án tối cao".
"Tổng thư ký LHQ kêu gọi chính phủ của Maldives duy trì hiến pháp và pháp luật, chấm dứt tình trạng khẩn cấp càng sớm càng tốt, và thực hiện tất cả các biện pháp để đảm bảo sự an toàn và an ninh của người dân trong nước, bao gồm các thành viên của bộ tư pháp", phát ngôn viên Stephane Dujarric nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự thất vọng trước việc Maldives áp đặt tình trạng khẩn cấp, cũng như việc Tổng thống Yameen, quân đội và cảnh sát không tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao. Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng ra tuyên bố đề nghị Chính phủ Maldives và quân đội tuân thủ nguyên tắc luật pháp.
Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng, tình trạng khẩn cấp không thể mở đường cho việc đàn áp.
Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ cũng đưa ra cảnh báo người dân xem xét lại kế hoạch du lịch đến Maldives - quần đảo nằm trên Ấn Độ Dương, có dân số khoảng 400.000 người, được du khách coi là "thiên đường biển".
 Maldives - quần đảo nằm trên Ấn Độ Dương, có dân số khoảng 400.000 người.
Maldives rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi Tổng thống dân chủ đầu tiên được bầu Mohamed Nasheed bị lật đổ sau cuộc binh biến của cảnh sát hồi năm 2012. Trong cuộc bầu cử một năm sau đó, đương kim Tổng thống Yameen đã đánh bại ông Nasheed. Sau đó, ông Nasheed bị bắt giam do các cáo buộc khủng bố, song được phép đến Anh chữa bệnh hồi tháng 1/2016. Ông sống lưu vong từ đó và hiện đang ở Sri Lanka.
Hôm 1/2, Tòa án Tối cao ra phán quyết xóa bỏ cáo buộc khủng bố cho 9 nghị sĩ đối lập, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, tòa án còn ra lệnh khôi phục chức vụ cho 12 nghị sĩ, trước đó bị cách chức vì rời bỏ đảng của Tổng thống Yameen để chuyển sang đảng đối lập. Với số nghị sĩ hiện nay, đảng đối lập chiếm thế đa số trong quốc hội và có thể luận tội Tổng thống Yemeen, người nhiều lần đối mặt với cáo buộc tham nhũng.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Yameen đã từ chối tuân thủ phán quyết trên của Tòa án Tối cao. Sáng 5/2, Tổng thống Yameen đã viết 3 lá thư gửi Tòa án Tối cao giải thích những thách thức trong việc thực thi phán quyết của tòa.
Chính quyền Yameen nêu lý do để ban bố tình trạng khẩn cấp là vì “phán quyết của tòa án gây cản trở chức năng của chính quyền” và bất chấp hiến pháp.
Theo Hiến pháp Maldives, việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải được trình lên Quốc hội thông qua. Trong trường hợp nảy sinh bất đồng, Tòa án Tối cao sẽ có quyền ra phán quyết. Tuy nhiên, với việc hoạt động của tòa án đang bị tạm ngừng, hiện chưa rõ điều gì có thể xảy ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần