Phát hành cuốn "Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam" tại Hàn Quốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phần "Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam" được in bằng cả hai thứ tiếng Hàn và Việt rất tiện cho công tác tra cứu.

KTĐT - Phần "Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam" được in bằng cả hai thứ tiếng Hàn và Việt rất tiện cho công tác tra cứu.

Trong những ngày đầu tháng Bảy này, cuốn "Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam" dịch sang tiếng Hàn đã được phát hành ở Hàn Quốc.

Cuốn sách ra mắt khi báo giới Hàn Quốc đang tiếp tục đưa tin và theo dõi kết quả điều tra của cơ quan chức năng về vụ cô dâu Việt Nam Thạch Thị Hồng Ngọc bị chồng sát hại tại thành phố Pusan chỉ 8 ngày sau khi tới đây.

Giáo sư Ahn Hee-wan, người dịch cuốn sách luật nói trên, tâm sự cả cuộc đời ông gắn bó với Việt Nam và chuyên tâm nghiên cứu, dịch thuật các lĩnh vực chính trị và kinh tế Việt Nam. Qua tay ông, hàng trăm văn bản pháp luật của Việt Nam đã được dịch chính xác sang tiếng Hàn và trở thành công cụ hữu ích cho những cơ quan, cá nhân quan tâm đến Việt Nam.

Những năm gần đây, hiện tượng kết hôn quốc tế, trong đó có kết hôn với phụ nữ Việt Nam, gia tăng mạnh tại Hàn Quốc và dần trở thành một vấn đề xã hội.

Giáo sư Ahn cho biết người Hàn Quốc trước nay vốn tự hào về sự thuần nhất của dân tộc. Với xuất phát điểm một dân tộc thuần nhất này, người Hàn Quốc nhìn chung có xu hướng coi thường người nước ngoài và coi rẻ những cuộc kết hôn với người nước ngoài. Chính vì thế, trong quá khứ, Hàn Quốc cũng không quan tâm đến chính sách cho người di cư nước ngoài.

Tuy nhiên, với tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập mạnh mẽ về kinh tế, nhu cầu lao động và hợp tác lao động quốc tế xuất hiện, giao lưu quốc tế bùng nổ và xã hội Hàn Quốc đã có những thay đổi theo xu hướng đa văn hóa, đa dân tộc.

Theo thống kê của cơ quan chức năng Hàn Quốc, số trường hợp kết hôn giữa nam giới Hàn Quốc với phụ nữ nước ngoài, trong đó có phụ nữ Việt Nam, đã gia tăng nhanh chóng trong vòng một thập kỷ qua.

Nếu năm 2000, số phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Hàn Quốc chỉ là 95 trường hợp thì đến năm 2009 con số này đã lên đến trên 8.000.

heo Giáo sư Ahn, các nam giới Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài chủ yếu thông qua dịch vụ môi giới. Tuy nhiên, về mặt luật pháp, cơ chế quản lý các công ty môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc còn nhiều lỏng lẻo.

Cho đến tận năm 2008, luật pháp Hàn Quốc mới quy định việc hành nghề môi giới kết hôn phải đăng ký với cơ quan chức năng thay vì chỉ cần khai báo thành lập như trước đây.

Cho đến tháng 12/2007, Hàn Quốc mới bắt đầu thực thi luật quản lý công ty môi giới kết hôn quốc tế và khi xảy ra vụ việc của cô dâu Hồng Ngọc, luật này mới được sửa đổi.

Giáo sư Ahn cho biết, công việc biên dịch và thu thập thông tin về cuốn "Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam" đã được ông kiên trì thực hiện từ cuối năm 2008.

Việc làm này xuất phát từ nhận thức cần phổ biến kiến thức pháp luật của Việt Nam tới các chú rể Hàn Quốc, tới những người có ý định kết hôn với phụ nữ Việt Nam.

Trong sự việc đau lòng của cô dâu Hồng Ngọc, vị giáo sư này cho rằng, mỗi cơ quan, đoàn thể, với khả năng của mình cần nghiên cứu, hành động để tìm biện pháp hữu hiệu nhất nhằm trợ giúp cho các phụ nữ di trú qua đường kết hôn. Cần hành động để ngăn chặn thay vì đi chạy theo giải quyết hậu quả bởi con người là vốn quý nhất, không gì có thể bù đắp được.

Dịch giả Ahn Hee-wan cho rằng là người ai cũng có quyền mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu các phụ nữ nước ngoài, trong đó có phụ nữ Việt Nam, sau khi kết hôn với nam giới Hàn Quốc, có được cuộc sống ổn định, hạnh phúc ở Hàn Quốc, thì đó là những viên gạch nền giúp xã hội Hàn Quốc phát triển ổn định, vững chắc. Tâm nguyện của ông khi tình nguyện dịch cuốn sách này cũng chỉ mong các gia đình Việt-Hàn có thêm hiểu biết lẫn nhau, thêm cảm thông và có một cuộc sống hạnh phúc nơi xứ sở Kim chi.

Trao đổi về công tác chuẩn bị cho sự ra mắt của cuốn "Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam" ở Hàn Quốc, ông Hoàng Xuân Hải - Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Đại sứ quán đã mời một số giáo sư đầu ngành về tiếng Việt trợ giúp công tác dịch thuật.

Với sự tài trợ của hai ông Park Soo-kwan - Tổng lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Pusan-Keangnam và ông Koo Cha-yol, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Incheon-Kiengki, cuốn sách đã được xuất bản ngày 30/6.

Phần "Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam" được in bằng cả hai thứ tiếng Hàn và Việt rất tiện cho công tác tra cứu.

Bên cạnh đó, các tác giả còn biện soạn 45 câu hỏi-đáp (bằng tiếng Hàn) về các nội dung cơ bản như quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, quan hệ vợ chồng, các điểm cơ bản trong giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, cách thức hòa giải khi có xung đột, quyền nuôi dạy con cái...

Ông Hoàng Xuân Hải cho biết thêm tháng 8 tới, Đại sứ quán sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và Giáo sư Ahn để giới thiệu cuốn luật này tại 3 khu vực là thủ đô Seoul, thành phố Tegu và thành phố Pusan với đối tượng chính là các công ty môi giới hôn nhân quốc tế và các nam giới Hàn Quốc có ý định kết hôn với phụ nữ Việt Nam.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đã kiến nghị với chính phủ và các cơ quan chức năng của Hàn Quốc xem xét các biện pháp hỗ trợ cho các cô dâu Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc, hiện đã lên đến hơn 33.000 người và đang tiếp tục tăng lên./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần