Phát hành phim tài liệu lên Youtube: Canh bạc của điện ảnh

Lại Tấn - Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay khán giả màn ảnh nhỏ không còn mặn mà với các bộ phim tài liệu. Để phim tài liệu đến gần với công chúng hơn, Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư đã đưa ra giải pháp sẽ phát hành phim tài liệu trên kênh Youtube. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tải phim lên Youtube là con dao hai lưỡi, làm tốt sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng, nếu ngược lại sẽ khiến người làm phim “khó sống”.

 Series phim hài tâm linh “Ai chết giơ tay” của nhóm Huỳnh Lập.
Phim triệu view

Thời gian gần đây, nhiều nhóm bạn trẻ đã có sáng kiến làm phim để đưa lên Youtube. Bởi họ biết, Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người xem nhiều nhất trên thế giới. Nước ta có khoảng 50 triệu người dùng internet, trong đó có khoảng 40 triệu người sử dụng các dịch vụ của Google. Và con số này sẽ ngày càng tăng. Để bù đắp cho lượng khán giả giảm sút, các nhà làm phim đã chuyển hướng làm phim đưa lên Youtube. Dạo qua môi trường phim trên internet, có thể kể nhiều phim khá đình đám, nổi trội như series phim hài tâm linh “Ai chết giơ tay” của nhóm Huỳnh Lập; series phim hài về xã hội đen “Thập tam muội” của A Tô Film & Thu Trang Entertainment; phim hài cổ trang “Nam Phi liên hoàn kế” của nhóm Nam Thư; phim “Biệt đội 1 - 0 - 2” với nhiều danh hài kể chuyện mặt trái của giới showbiz.
Tải phim lên Youtube rất dễ, ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, tải phim Youtube chưa chắc đã là có nhiều người xem vì trên đó người ta có hàng triệu lựa chọn khác. Quan trọng là phải thay đổi cách làm, nâng cao chất lượng phim, kịch bản hấp dẫn.

Đạo diễn Phan Đăng Di

Những nhóm làm phim này đã huy động được số người hâm mộ khá đông, lập trang Facebook, dùng nhiều phương tiện truyền thông để quảng bá cho phim của mình. Nhiều series phim đạt đến con số hơn 30 triệu lượt người xem và họ đã thu được một số tiền nhất định.

Ý tưởng đưa điện ảnh lên Youtube không còn của riêng phim ca nhạc, phim hài mà có cả phim tài liệu. Mới đây, trong khuôn khổ chương trình tổng kết hoạt động nghệ thuật hai năm 2017 - 2018 do Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư tổ chức, quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư, NSND Nguyễn Như Vũ cho biết: Sắp tới, hãng cũng tính toán mở rộng diện phủ sóng của các phim được sản xuất trên Youtube hay một vài kênh, mạng xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng”. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, phim trên môi trường internet đã bão hòa, làm thế nào để phim tài liệu kiếm triệu view như các dòng phim thị trường khác lại là một thách thức của điện ảnh.

Giải pháp cuối cùng là tìm khán giả

Mặc dù Youtube có khối lượng người truy cập rất lớn nhưng không phải là một cánh cổng tự do. Theo tạp chí Forbes, tính đến tháng 6/2017, mỗi tháng có khoảng 1,7 tỷ người truy cập vào Youtube. Số tiền kênh này thu về khoảng 127 triệu USD. Song, điều đáng lo ngại là phần lớn người xem có xu hướng thích những video có nội dung bạo lực, ấu dâm. Chính vì điều này, nhiều quốc gia đã yêu cầu Youtube tháo gỡ những video có nội dung độc hại.

Nhìn nhận khách quan về việc sử dụng Youtube để đưa phim tài liệu đến với khán giả, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, Youtube chỉ là giải pháp cuối cùng khi không có kênh phát sóng khác để tiếp cận công chúng. “Kênh phổ biến thông thường phim tài liệu của các nước trên thế giới đầu tiên là chiếu rạp để thu phí từ việc bán vé. Sau đó mới đến kênh truyền hình, cuối cùng là Youtube hay mạng xã hội. Phát Youtube theo kiểu miễn phí là cách để phim đến với công chúng nhưng nếu làm như thế thì những người làm phim tài liệu lấy tiền đâu ra để họ làm tiếp?” - đạo diễn Phan Đăng Di đặt câu hỏi.

Ý tưởng đưa phim tài liệu lên Youtube mới là bước khởi đầu, cũng chưa thể khẳng định sự thành công hay thất bại. Nhưng rõ ràng, đã đến lúc điện ảnh Việt Nam cần nắm bắt xu thế, có những bước chuyển mình để bắt nhịp được với sự chuyển đổi hình thái khán giả của thời công nghệ 4.0.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần