Phát hành sách "Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư"

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018, phiên bản tiếng Việt của cuốn sách "Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư" đã được phát hành.

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 27 về ASEAN 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới phát hành phiên bản tiếng Việt của cuốn sách mang tên Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, được viết bởi Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã ở trong trung tâm của các vấn đề toàn cầu trong suốt hơn bốn thập kỷ qua. Ông tin rằng chúng ta chỉ đang ở giai đoạn đầu của một cuộc cách mạng mà về cơ bản đang thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và kết nối với nhau. Tất cả đều được ông khám phá trong cuốn sách cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
 GS Klaus Schwab - Nhà sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới trao đổi về cuốn sách với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong họp báo sáng 11/9.

Những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã giải phóng con người khỏi sức mạnh của loài vật, tạo ra sản xuất hàng loạt và mang lại sức mạnh kỹ thuật số cho hàng tỷ người. Tuy nhiên, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư khác biệt về bản chất. Cuộc cách mạng này được hình thành bằng loạt công nghệ mới kết nối các thế giới vật chất, kỹ thuật số và sinh học, tác động đến tất cả mọi quy luật, nền kinh tế, ngành công nghiệp, và thậm chí thách thức cả định nghĩa về nhân loại.
Kết quả là những thay đổi và đột phá báo hiệu chúng ta đang sống tại một thời điểm đầy hứa hẹn và rủi ro. Thế giới có tiềm năng kết nối hàng tỷ người với mạng lưới kỹ thuật số, cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của các tổ chức, thậm chí quản lý tài sản theo cách có thể tái tạo môi trường tự nhiên và loại bỏ thiệt hại của những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.
Tuy nhiên, GS Schwab cũng đưa ra những lo ngại đáng chú ý: các tổ chức có thể sẽ không thích ứng được; các chính phủ có khả năng không kịp thời tận dụng và quản lý các công nghệ mới để gặt hái lợi ích từ chúng; chuyển dịch quyền lực sẽ tạo ra mối lo mới về bảo mật; làm gia tăng bất bình đẳng và chia cắt xã hội.
GS Schwab đặt những thay đổi gần đây nhất vào bối cảnh lịch sử, chỉ ra những công nghệ chủ chốt đang chèo lái cuộc cách mạng này, thảo luận về những tác động chính lên các chính phủ, doanh nghiệp, xã hội dân sự và cá nhân; từ đó gợi ý cách thức phản hồi. Trọng tâm phần phân tích của ông đặt ra niềm tin rằng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nằm trong tầm kiểm soát của tất cả chúng ta, miễn là chúng ta có khả năng cộng tác với nhau, vượt qua các khoảng cách địa lý, ngành và lĩnh vực, để nắm bắt các cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại.
Đặc biệt, GS Schwab kêu gọi các nhà lãnh đạo và người dân “cùng nhau định hình một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người bằng cách lấy con người làm trung tâm, trao quyền cho họ và không ngừng nhắc nhở chính mình rằng, tất cả những công nghệ mới này, trước hết và quan trọng nhất, là công cụ do con người tạo ra để phục vụ cho con người.”
Bằng việc thu thập, tổng hợp những ý tưởng, hiểu biết và trí tuệ từ mạng lưới toàn cầu những lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ, xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo trẻ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cuốn sách mới này mang đến những nhìn nhận sâu sắc về tương lai đang dần hé lộ, và cách thức để chúng ta có thể cùng chung tay đảm bảo rằng đó sẽ là một tương lai tích cực cho tất cả mọi người.
 
Với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiêp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN lần thứ 27 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 9 năm 2018. Diễn đàn sẽ mang đến các góc nhìn về tinh thần doanh nghiệp như một giải pháp tiềm năng để khai thác lợi ích, cũng như giải quyết các thách thức được đặt ra bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần