Phát hiện một mẫu đất có vi khuẩn Whitmore tại Sóc Sơn

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/12, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Trung tâm đã phối hợp các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư lấy mẫu đất, nước tại Sóc Sơn xét nghiệm và phát hiện một mẫu đất có vi khuẩn Whitmore.

Theo đó, mẫu đất này được lấy ở độ sâu dưới 90cm trong khu vực sinh hoạt của gia đình ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội - nơi có 3 trẻ trong một gia đình tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn này là rất khó.
Theo quan điểm không đúng, một số ý kiến cho rằng đây là bệnh vi khuẩn “ăn thịt người”. Thực chất, Whitmore là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn thông thường bởi một vi khuẩn Gram âm có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei (B. pseudomallei). Bệnh có khả năng điều trị và đáp ứng tốt bằng kháng sinh.
Bệnh xảy ra tản phát ở từng cá thể, không gây thành dịch, đặc biệt nhóm người có vết xước, tổn thương trên da tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước có vi khuẩn mà không sử dụng các biện pháp phòng hộ như đi ủng cao su, găng tay chống nước, quần áo dài khi lao động…
Thời gian ủ bệnh từ khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh không được xác định rõ ràng, có thể từ một ngày đến nhiều năm, trung bình từ 2 - 4 tuần sau khi tiếp xúc. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm: Sốt, nhiễm trùng cục bộ, nhiễm trùng lan tỏa. Sốt có thể theo cơn, kèm theo lạnh run, hoặc sốt kéo dài.
Khi diễn biến nặng, bệnh nhân có thể bị viêm đường tiết niệu, viêm phổi, loét da, suy hô hấp, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng máu và suy đa phủ tạng. Bệnh Whitmore có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh lao hoặc các dạng viêm phổi.