Phát huy dân chủ trong hiệp thương giới thiệu người ứng cử

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện các địa phương đã tiến hành xong Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất trong quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Yêu cầu phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương, hội nghị cử tri lấy ý kiến đối với người ứng cử… được đặc biệt nhấn mạnh, để góp phần bảo đảm thành công của cuộc bầu cử.

 Quang cảnh Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Thủy Tiên
Điểm mới trong quy trình hiệp thương

Theo lịch trình các mốc thời gian và công việc phải triển khai để thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, có tổng số 56 đầu công việc, tính từ thời điểm bắt đầu là mốc công bố ngày bầu cử đến mốc cuối cùng là tổng kết và công bố kết quả bầu cử. Trong đó, nhiệm vụ chính, quan trọng hàng đầu là tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được tiến hành theo 5 bước. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng; cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Trong Nghị quyết liên tịch số 09 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm lựa chọn được những người tiêu biểu nhất ra ứng cử. Trong đó, quy định rõ danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại Khoản 6, Điều 57 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Về việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi cấp do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và thực hiện. Theo Nghị quyết liên tịch 09, nội dung, trình tự dự kiến người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố có điểm mới là: Trưởng ban công tác mặt trận phối hợp với chi hội trưởng các đoàn thể họp với Bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố để dự kiến người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Các mốc thời gian chặt chẽ

Theo quy định, hiện các địa phương đã tiến hành xong Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Cùng với việc khẩn trương, chủ động chuẩn bị các nội dung liên quan để hoàn thành đúng tiến độ, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Các địa phương cần hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ hai trước ngày 19/3 và hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ ba trước ngày 18/4. Chậm nhất là đến 17 giờ ngày 14/3, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử.

Việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác sẽ diễn ra từ ngày 21/3 – 13/4. Chậm nhất là ngày 13/4 phải hoàn thành việc xác minh và trả lời các vụ việc cử tri nêu đối với người ứng cử. Ngày 24/4 phải gửi danh sách người ứng cử tới Hội đồng Bầu cử quốc gia và ngày 28/4, Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức ứng cử để ngày 23/5 tiến hành cuộc bầu cử trên toàn quốc.

Đối với việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, theo quy định, khác với kỳ bầu cử trước, kỳ này có điểm mới là trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Theo lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, trường hợp không thỏa thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử tổ kiểm phiếu từ 3 - 5 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết. Các lần hiệp thương, việc dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử được đặc biệt lưu ý, nhằm bảo đảm cơ cấu, thành phần và tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần