Phát huy giá trị các bảo vật quốc gia: Vẫn nhiều thách thức

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm 2020, Hà Nội có thêm 3 bảo vật quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận, nâng tổng số bảo vật quốc gia mà Thủ đô sở hữu lên 15 bảo vật.

Đa dạng, phong phú và mang hồn cốt 1.000 năm là những gì nhà khoa học nhận xét về giá trị bảo vật. Tuy nhiên, vấn đề phát huy di sản vẫn còn nhiều thách thức.
Đậm đặc giá trị Thăng Long - Hà Nội
Trong 27 hiện vật và nhóm hiện vật mới được Thủ tướng ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia hồi đầu năm 2020, Hà Nội có 3 hiện vật. Đó là: Chuông Nhật Tảo (niên đại thế kỷ X; hiện lưu giữ tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm); tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm (niên đại thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại đền - chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm); khám thờ gỗ sơn son thếp vàng (niên đại thế kỷ XVI; hiện cũng lưu giữ tại di tích đền - chùa Bà Tấm).
Chuông Thanh Mai là 1 trong 15 bảo vật quốc gia mà Hà Nội sở hữu. (ảnh trái) và tượng sư tử đá đền - chùa bà Tấm (Gia Lâm - Hà Nội), mới được công nhận là bảo vật quốc gia đầu năm 2020.
Theo ghi nhận của Hội đồng thẩm định Di sản quốc gia: Bảo vật tượng đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm là một linh vật thời Lý, hiện được đặt trang trọng tại tòa Tam bảo của chùa. Sự độc đáo của tượng đôi sư tử đá ở đây thể hiện với hình tượng sư tử - một linh vật Phật giáo - làm bệ đỡ cho tượng Phật.
Trên tác phẩm thể hiện các đường nét chạm khắc khỏe mạnh, tinh tế, mang nhiều ý nghĩa triết lý đạo Phật thời bấy giờ, đồng thời, thể hiện rõ sự uy nghiêm, quyền năng của một linh vật mang dấu ấn và phong cách thời đại ở thế kỷ XII.
Tượng sư tử chùa - đền Bà Tấm là hiện vật gắn với một di tích nổi tiếng (quốc tự) và một danh nhân có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử Vương triều Lý: Nguyên Phi - Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Cũng tại chùa - đền bà Tấm, hiện vật khám thờ gỗ sơn son thiếp vàng cũng được công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt vừa rồi.
Ngoài ra, chuông Nhật Tảo là một trong 3 quả chuông cổ nhất Việt Nam. Chuông Nhật Tảo là cổ vật độc bản, được xem là quả chuông duy nhất ở thế kỷ X cho đến nay, được phát hiện ở Việt Nam. Bài minh trên chuông có thể coi là một trong những sử liệu chữ viết sớm nhất của thời kỳ tự chủ trong lịch sử dân tộc cho đến nay được biết.
Chuông Thanh Mai là 1 trong 15 bảo vật quốc gia mà Hà Nội sở hữu. (ảnh trái)

và tượng sư tử đá đền - chùa bà Tấm (Gia Lâm - Hà Nội), mới được công nhận là bảo vật quốc gia đầu năm 2020.

“Chuông Nhật Tảo là một cổ vật vô giá của Thăng Long - Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Chuông đã được giới thiệu trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa, lịch sử ở Việt Nam” - TS Phạm Quốc Quân - thành viên hội đồng di sản quốc gia nhận xét.
Các Bảo vật quốc gia ở Hà Nội mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ của từng thời kỳ trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, ngành Văn hóa Thủ đô có trọng trách quảng bá, lan tỏa sâu rộng các giá trị đó tới công chúng.
Nỗi lo bảo vệ
15 bảo vật quốc gia được lưu giữ ở nhiều địa phương của Thủ đô. Bên cạnh một số hiện vật được phát huy hiệu quả như: 82 bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chuông Thanh Mai… thì nhiều hiện vật khác như: tượng Trấn Vũ (đền Quán Thánh), tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (chùa Thánh Ân), bộ tượng Di Đà Tam (chùa Thầy), 34 pho tượng Phật thời Tây Sơn (chùa Tây Phương), 2 tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường (chùa Đậu)… và mới nhất là 3 bảo vật quốc gia mới được công nhận còn khiến các Ban quản lý canh cánh nỗi lo bảo vệ.
Đại diện Tiểu ban quản lý di tích đình, chùa Nhật Tảo chia sẻ, từ lúc biết quả chuông đồng có niên đại đến hơn 1.000 năm, Tiểu Ban quản lý di tích đình, chùa Nhật Tảo đã nghĩ ra nhiều biện pháp bảo vệ cũng như bảo quản báu vật này.
Thời gian đầu, chuông còn được chôn xuống dưới đất không để ai biết, nhưng sau do lo lắng chuông cổ bị hỏng, các ông đã bàn nhau đưa chuông lên để sau tấm bình phong treo ở nóc đình. Mỗi lần kiểm tra chuông, phải bắc thang dài lên, gỡ tấm bình phong xuống mới có thể lấy được chuông.
Hoặc thực trạng của bảo vật tượng đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm cũng rất đáng lo ngại. Tượng sư tử bên phải sứt răng, vỡ thiếu mảnh mi mắt phải, vỡ nhỏ mi mắt trái, vỡ thiếu mảnh lục lạc. Tượng sư tử bên trái sứt u tròn, mũi, mép, răng, vỡ thiếu mảnh mi mắt phải, vỡ nhỏ mi mắt trái, vỡ thiếu mảnh lục lạc. Tuy nhiên, để bảo tồn, phục dựng cũng không phải là dễ đối với các nhà khoa học và đội ngũ nghệ nhân chế tác hiện nay.
Đưa bảo vật giới thiệu đến đông đảo công chúng xem bảo tàng là một trong những giải pháp được ngành văn hóa Thu đô dự kiến thực hiện trong thời gian tới. "Bảo tàng Hà Nội, nơi lưu giữ 4/15 Bảo vật quốc gia cũng đang gấp rút hoàn thiện phần trưng bày, thể hiện dáng vẻ, hồn cốt và văn hóa Thủ đô suốt chiều dài lịch sử. Trong chuỗi chuyện kể ngàn năm Thăng Long - Hà Nội ấy, không thể thiếu sự hiện diện của nhiều Bảo vật quốc gia” - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết.

Các Bảo vật quốc gia ở Hà Nội mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ của từng thời kỳ trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, ngành Văn hóa Thủ đô có trọng trách quảng bá, lan tỏa sâu rộng các giá trị đó tới công chúng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần