Phát huy hiệu quả, vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/4, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã chủ trì Hội nghị giao ban mở rộng Ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước TP Hà Nội quý I/2018.

Cùng dự có Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản.
 Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thị Minh Hạnh cho biết, quý I/2018, Ban Chỉ đạo TP, các ban Đảng Thành ủy, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy có kết quả. Ban chỉ đạo các cấp đã duy trì nền nếp sinh hoạt, tiếp tục khảo sát, nắm tình hình doanh nghiệp, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đối tượng để kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên và thành lập tổ chức; xây dựng kế hoạch gắn với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU và thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, kịp thời đề ra các giải pháp cụ thể để củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, nhất là ở những nơi có khó khăn. Ban chỉ đạo cũng tích cực nghiên cứu, đề xuất đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp cổ phần hóa, vốn nhà nước không chi phối...
Trong quý I, toàn TP thành lập mới được 25/131 tổ chức đảng với 83 đảng viên, đạt 19% kế hoạch năm 2018. Kết nạp được 186 đảng viên mới. Đặc biệt, trong 3 tháng, Quận ủy Hai Bà Trưng đã thành lập được 6/8 tổ chức đảng, đạt 75% kế hoạch cả năm 2018. Công đoàn các cấp đã thành lập 23/430 công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đạt 5,34% kế hoạch năm 2018, kết nạp mới được 827 đoàn viên. Các cơ sở Đoàn thanh niên – Hội LHTN đã thành lập được 46/200 tổ chức Đoàn, Hội với 941 đoàn viên, hội viên, đạt 23% kế hoạch năm.
 Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đã có 12 ý kiến của các đại biểu đã tham luận làm rõ những kết quả đã đạt được, chia sẻ những bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị một số nội dung thực hiện trong thời gian tới. Theo Bí thư Đảng ủy Khối DN quận Thanh Xuân Võ Thị Kim Ánh, để làm tốt công tác xây dựng Đảng trong các DN ngoài khu vực Nhà nước, chi bộ Đảng phải thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị, tập hợp quần chúng, luôn chia sẻ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và vì sự phát triển của DN. Đồng thời, việc lựa chọn cấp ủy và đặc biệt là lựa chọn bí thư chi bộ trong các doanh nghiệp tốt nhất nên là người đứng đầu DN hoặc trong ban lãnh đạo DN. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho rằng, việc thành lập chi bộ tại các DN ngoài khu vực Nhà nước là một việc khó, muốn hoạt động tốt, chi bộ phải tranh thủ được sự ủng hộ của chủ DN. “Từ khi Đảng ủy khối DN ngoài khu vực Nhà nước được thành lập, các chi bộ trực thuộc có những đồng chí lãnh đạo trực tiếp về làm việc cụ thể với các chi bộ để tháo gỡ những khó khăn. Đây là một trong những thuận lợi”, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm khẳng định.
 Đại biểu tham luận tại hội nghị.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, thời gian tới, Đảng ủy Khối các quận, huyện, thị xã cần thay đổi phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng.
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy quý I/2018, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho rằng, có thể nhận thấy việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng tại DN ngoài khu vực Nhà nước đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả hơn. “Việc phát triển Đảng tuy có khó khăn nhưng nếu biết chăm lo vẫn phát huy hiệu quả, qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các Đảng ủy khối trong hoạt động của DN ngoài khu vực Nhà nước”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Giao nhiệm vụ cho các cấp ủy đảng trong thời gian tới, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải gắn việc chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý của chính quyền địa phương với việc tạo thuận lợi cho DN; cùng với đó, phải gắn với việc phát triển các tổ chức Đảng và đoàn thể trong tổng thể chỉ đạo thì mới thành công. “Thông qua các hoạt động, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã cần hết sức chú ý tới hoạt động trao đổi, gặp gỡ đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tổ chức giao lưu đối thoại với công nhân và các tầng lớp Nhân dân theo nhu cầu phát triển của từng địa phương”, Phó Bí thư Thành ủy lưu ý.