Phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 27/2/2012, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ, về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến về sự cần thiết và quyết tâm thực hiện Nghị quyết 09 của thành phố (TP).

Xin đồng chí cho biết sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết 09?

- Đồng chí Tưởng Phi Chiến: Nghị quyết 09 được ban hành nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 07 -CT/TƯ của Bộ Chính trị (khoá VIII), Kết luận số 80-KL/TƯ của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa X) về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước. Bên cạnh đó, Nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo và sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP trong tình hình mới. Hiện TP có 117.740 DN ngoài khu vực Nhà nước đăng ký hoạt động, thu hút trên 1,4 triệu lao động, mỗi năm đóng góp hơn 22.000 tỷ đồng (chiếm 34,4% tổng số tiền nộp ngân sách TP).

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong các DN khu vực ngoài Nhà nước. Hệ thống tổ chức Đảng (TCĐ), đoàn thể và đội ngũ đảng viên, đoàn viên, hội viên khu vực này đã được hình thành, có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng là minh chứng rõ nhất cho việc thực hiện các giải pháp đó. Trong các DN ngoài khu vực Nhà nước của TP hiện đã thành lập được 633 TCĐ, với 18.600 đảng viên, cùng hơn 2.300 tổ chức công đoàn, tập hợp hơn 200.000 đoàn viên; 653 tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên và 132 tổ chức hội phụ nữ.  Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, Thành ủy thẳng thắn đánh giá so với yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là so với số lượng DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP thì tỷ lệ TCĐ, đoàn thể đã thành lập còn rất thấp. Trong một số DN, tuy TCĐ, đoàn thể đã được thành lập nhưng họat động kém hiệu quả, vai trò còn mờ nhạt.

Theo đồng chí, nguyên nhân nào dẫn đến kết quả thành lập TCĐ, đoàn thể trong DN còn quá ít?

- Đồng chí Tưởng Phi Chiến: Đây là lĩnh vực mới và khó khăn, nhất là việc thành lập và hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, sự cộng tác, tạo điều kiện của giới chủ doanh nghiệp, mà hầu hết họ chưa phải là đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức chính trị - xã hội; một bộ phận người lao động (NLĐ) chưa thấy rõ được quyền lợi chính trị mà mới chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập nên thiếu thiết tha với các hoạt động của TCĐ, đoàn thể. Nguyên nhân chính của tình hình trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của các cơ sở còn buông lỏng, chưa có sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên; cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể chưa đầy đủ. Ở những cơ sở Đảng hoạt động yếu còn do đội ngũ lãnh đạo, đảng viên thiếu tâm huyết, năng lực hạn chế.

Tại những DN ngoài Nhà nước đã thành lập được TCĐ, vai trò lãnh đạo có phát huy được thế mạnh?

- Đồng chí Tưởng Phi Chiến: Hầu hết những DN đã có TCĐ và các đoàn thể, tình hình sản xuất kinh doanh phát triển, nội bộ đoàn kết thống nhất, gần như rất ít xảy ra các vụ đình công. Tại đây, TCĐ đã xây dựng quy chế hoạt động trong mối quan hệ với hội đồng quản trị, tổng giám đốc và đã thực hiện được vai trò, lãnh đạo đảng viên, tuyên truyền, vận động chủ DN thực hiện tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng cộng đồng xây dựng DN; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động (NLĐ) để kiến nghị và cùng chủ DN giải quyết. Trong các doanh nghiệp này, TCĐ cũng đã lãnh đạo xây dựng các đoàn thể vững mạnh, giới thiệu cán bộ, đảng viên có năng lực tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý của DN…

Thành ủy Hà Nội đã đặt ra những mục tiêu cụ thể nào khi triển khai Nghị quyết này, thưa đồng chí?

- Đồng chí Tưởng Phi Chiến:  Thành ủy xác định việc xây công tác này từ nay đến năm 2020 là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị toàn TP với mục tiêu lớn nhất cần hướng tới là nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của DN và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ để đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển KT - XH của TP. Trước mắt, Thành ủy sẽ hướng sự quan tâm vào các DN trong các khu, cụm công nghiệp tập trung, trong những đơn vị có vị trí, tính chất quan trọng, hoạt động ổn định và đông lao động. Hà Nội phấn đấu mỗi năm thành lập mới 200 - 300 TCĐ; 400 - 450 tổ chức công đoàn; 250 - 350 tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên; đồng thời xây dựng, củng cố tổ chức hội phụ nữ trong các DN ngoài khu vực Nhà nước của TP.

Trong Nghị quyết này, Thành ủy Hà Nội có những giải pháp gì mới  so với những năm trước đây?

- Đồng chí Tưởng Phi Chiến: Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng với nhiều nội dung đổi mới. Trong đó, bên cạnh việc đề cao trách nhiệm, nhận thức các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên, Thành ủy cũng xác định cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục các chủ DN, người sử dụng lao động cũng như đội ngũ công nhân lao động hiểu rõ về lợi ích, sự cần thiết của xây dựng, củng cố TCĐ, đoàn thể, cùng cộng đồng trách nhiệm thực hiện. Nhằm giúp cho các TCĐ họat động thuận lợi hơn, Thành ủy sẽ xây dựng và sắp xếp lại một số mô hình tổ chức, tùy theo vị trí, quy mô, số lượng đảng viên, ngành nghề sản xuất, loại hình và nguyện vọng của DN có thể thành lập tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc các Đảng ủy khối DN, Công nghiệp, Du lịch hoặc Đảng ủy các tổng công ty. Với quận, huyện có nhiều TCĐ trong các DN ngoài nhà nước có thể thành lập Đảng bộ cơ sở khối DN trực thuộc các quận, huyện ủy. Đối với các đảng ủy cấp xã, phường thì tùy tình hình thực tế để có thể thành lập chi bộ Đảng trong các DN nhỏ, HTX trực thuộc cấp mình. Thành ủy cũng quyết định chuyển Đảng bộ cơ sở Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất về trực thuộc Thành ủy để tăng cường sự lãnh đạo với khu vực này.

Nghị quyết cũng đề ra nhiều biện pháp tăng cường kết nạp đảng viên, thí điểm kết nạp chủ DN tư nhân có đủ tiêu chuẩn vào Đảng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bố trí thêm cán bộ chuyên trách cho các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc và đầu tư kinh phí cho việc xây dựng, củng cố phát triển TCĐ, các đoàn thể trong các DN ngoài khu vực Nhà nước. Bên cạnh đó, Thành ủy cũng yêu cầu các cấp chính quyền TP đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, giúp các DN kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. 

Với các biện pháp đồng bộ như vậy, tôi tin rằng Nghị quyết sẽ được triển khai có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô trong tình hình mới.  

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy!

Sáng 6/3, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/02/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020". Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến chủ trì hội nghị.

Nghị quyết 09 đề ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu để tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Trong đó, Thành ủy sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; kiện toàn mô hình và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Thành phố phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 200 - 300 tổ chức Đảng, 400 - 450 tổ chức công đoàn, 250 - 350 tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên; xây dựng củng cố tổ chức hội phụ nữ trong các doanh nghiệp này…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần