Phát huy mô hình 9+

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, khi các trường THPT công lập trên địa bàn TP đã tổ chức nhập học cho học sinh trúng tuyển vào lớp 10, những em bị trượt đăng ký học trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên... thì vẫn còn không ít em đang rất băn khoăn chưa biết chọn lối đi nào trên con đường tương lai phía trước.

Năm nay, toàn TP có hơn 104.000 học sinh lớp 9 xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu được tuyển vào trường THPT công lập chỉ chiếm tỷ lệ 62%. Trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021, toàn TP có gần 89.000 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi. Như vậy, còn khoảng hơn 15.000 học sinh lớp 9 không đăng ký dự thi vào lớp 10, nhiều hơn 5.000 em so với năm học trước.
Qua công tác rà soát, thống kê nguyện vọng của 15.000 học sinh này, các em đã đăng ký dự tuyển vào các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, xét tuyển học nghề ở các trường trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) trên địa bàn TP.
Điều này cho thấy, việc tư vấn, tuyên truyền về phân luồng học sinh sau THCS có hiệu quả khả quan hơn năm trước. Có không ít phụ huynh thẳng thắn cho biết, điều kiện gia đình và năng lực của con không thể theo học lớp 10 trường THPT công lập nên đã cho đi học nghề kết hợp học văn hóa.
Đây chính là mô hình 9+ đang được triển khai ở nước ta mấy năm trở lại nay. Theo đó, học sinh sau khi học xong lớp 9, có thể đăng ký vào trường TC, CĐ theo học hệ trung cấp. Ngay tại các trường này, học sinh được học 7 môn học văn hóa và học nghề mình yêu thích.
Những ngày này, các trường CĐ, TC trên địa bàn TP đang tiếp nhận hồ sơ và tổ chức nhập học cho học sinh học theo mô hình 9+. Ghi nhận từ các trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, TC nghề Cơ khí I Hà Nội... cho thấy số học sinh đăng ký học nghề theo mô hình 9+ tăng lên so với năm trước.
Hiện nay, để khuyến khích học sinh tham gia học nghề, TP Hà Nội có những chính sách hết sức cụ thể cho từng đối tượng. Cụ thể, miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề theo mô hình 9+. Theo đó, trong 3 năm học, học sinh được học chương trình học nghề, văn hóa trình độ THPT. Khi tốt nghiệp trung học nghề, học sinh được cấp bằng TC nghề và bằng tốt nghiệp THPT.
Về phía các trường TC, CĐ, ngoài việc nâng chất lượng đào tạo nghề, còn thành lập phòng, trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm kết nối với DN. Đại đa số học sinh tốt nghiệp đều được giới thiệu việc làm với mức lương thỏa đáng, điều kiện làm việc phù hợp với ngành nghề đào tạo. Số học sinh, sinh viên có việc làm ngay khi ra trường đạt trên 80%; thậm chí có những em đang học đã được các DN tuyển dụng. Từ đây, học sinh vẫn có điều kiện học liên thông lên CĐ, học tiếp ở trình độ cao hơn nữa.
Từ hiệu quả trong mô hình 9+, số lượng học sinh học hết lớp 9 đăng ký học nghề đang tăng dần lên. Riêng trong năm 2019, TP Hà Nội đề ra kế hoạch tuyển sinh 210.000 chỉ tiêu cho các trình độ nhưng đã vượt. Hy vọng với chính sách của Hà Nội trong phân luồng sau phổ thông, cùng với sự nỗ lực của các trường nghề đã và sẽ tạo ra niềm tin cũng như thu hút được nhiều học sinh vào học nghề theo mô hình 9+.