Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 20/9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX tiếp tục ngày làm việc thứ 3.

Mở đầu phiên làm việc của buổi sáng, các đại biểu đã tham luận tập trung vào các nội dung: Phật giáo Việt Nam tiếp tục truyền thống “Hội quốc an dân” tích cực đóng góp xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới; “Đồng bào công giáo Việt Nam tiếp tục truyền thống yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”; Không ngừng củng cố, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…
 Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX tiếp tục ngày làm việc thứ 3. 
Truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam
Truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát huy với kết quả khả quan đó là những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng ngôi nhà đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới của đất nước. 
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Nói đến vai trò “hộ quốc an dân”của Phật giáo trong các hoạt động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là vai trò trách nhiệm của Phật giáo đối với đời sống con người trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, bởi vì đây là sứ mạng cao cả của đạo Phật và đây cũng chính là trách nhiệm thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam trong mọi thời đại.
 Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham luận tại Đại hội. 
Thời đại ngày nay, hòa cùng sự thịnh trị của đất nước, Phật giáo nước nhà cũng ngày càng phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò là một thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đồng hành gắn bó với khối đại đoàn kết toàn dân, với tiềm lực và truyền thống hộ quốc an dân, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự động viên khích lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có, phấn đấu nỗ lực cống hiến hết mình vì lý tưởng xây dựng một xã hội tình thương, an lạc và hạnh phúc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn toàn dân tộc trong thời kỳ mới.
Đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo Việt Nam
Trình bày tham luận  tại Đại hội, Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhấn mạnh: Bảy triệu giáo dân Việt Nam là bảy triệu người Công dân Việt Nam. Chúng tôi mừng vui thực hiện đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào... Quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”.
Người Công giáo Việt Nam càng ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước. Trước hết là ý thức chấp hành Pháp luật Việt Nam, và không chỉ đóng góp cho sự phát triển chung chung. Ngày nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã và đang vận động đồng bào Công giáo tham gia xây dựng đất nước theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo phát triển dung hòa 3 lĩnh vực: Kinh tế, Văn hóa xã hội và Môi trường - Từng mục tiêu cụ thể được đưa vào nội dung các phong trào thi đua, linh hoạt ở mỗi vùng miền cho phù hợp với đặc điểm sinh hoạt của bà con giáo dân.
 Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tham luận tại Đại hội. 
Đặc biệt, Họ Cơ giáo thuộc (Thường Tín, Hà Nội) điểm cấp thành phố về “Xây dựng mô hình điểm cộng đồng tôn giáo và dân cư thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Toàn bộ 198 hộ gia đình với khoảng 600 nhân khẩu của Giáo xứ đã đăng ký trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư sinh sống.
“Người Công giáo Việt Nam bằng những hành động cụ thể, ngày càng ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết- Thành công, thành công, đại thành công” - Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh khẳng định.