Phạt lao động công ích khi vi phạm giao thông: Ý tưởng hay nhưng khó khả thi

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, một đại biểu HĐND của Đà Nẵng đã kiến nghị bổ sung chế tài xử phạt đối với người vi phạm luật giao thông.

Theo đó, nếu người nào vi phạm giao thông quá 3 lần, phải buộc lao động công ích. Ý kiến trên đã nhận được sự quan tâm của dư luận và người dân, không chỉ riêng ở TP Đà Nẵng mà trên cả nước.
Chế tài cần thiết để nâng cao tính giáo dục

Trong kỳ họp thứ 6, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX (2016 – 2021) vừa diễn ra, sau khi đưa ra những đánh giá về tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay, đại biểu Huỳnh Minh Chức đã đề xuất, đối với những trường hợp vi phạm giao thông từ 3 lần trở lên, cần phải được học tập, ký cam kết không vi phạm và tập trung lao động bắt buộc, cưỡng bức lao động công ích để giáo dục, răn đe. Đề xuất này nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người không chỉ ở Đà Nẵng, bởi đề xuất được đánh giá là vừa không mang tính tiêu cực, vừa mang tính răn đe, giáo dục.

Dù đã có biển cấm nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn cố tình vi phạm.  Ảnh:  Hải Linh

Trên thực tế, đề xuất buộc người vi phạm giao thông phải lao động công ích không phải bây giờ mới có. Từ năm 2016, trước khi Nghị định 46/2016NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ được áp dụng với những chế tài tăng nặng hình phạt cho 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông so với trước đây, cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất áp dụng chế tài phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông.

Trước đó, vào năm 2015, khi TS Khuất Việt Hùng (nay là Phó Chủ tịch Chuyên trách của Ủy ban ATGT Quốc gia) đăng tải trên trang cá nhân của mình về nguyên nhân dẫn tới TNGT như uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy… cũng có nhiều người “hiến kế” về cách xử lý, cũng như xử phạt để giảm bớt những TNGT thương tâm. Trong những “kế sách” được góp ý có nhắc đến việc phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đề xuất này vẫn chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng, kiến nghị chứ chưa được áp dụng vào thực tế vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cần sửa đổi văn bản pháp luật hiện hành

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, LS Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, dù được đánh giá cao về tác dụng răn đe, giáo dục ý thức của người dân khi tham gia giao thông, nhưng xét trên phương diện pháp luật, đề xuất phạt người vi phạm giao thông lao động công ích rất khó khả thi.

Theo LS Thơm, hiện nay, hành vi vi phạm giao thông được xếp vào nhóm hành vi vi phạm hành chính và chỉ bị xử phạt hành chính như tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe, phạt tiền…, còn việc phạt lao động công ích lại là câu chuyện khác. “Trong các văn bản pháp luật hiện hành không có văn bản nào quy định người vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt lao động công ích. Như Luật Giao thông đường bộ hay Nghị định 46/2016NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ cũng không đề cập đến quy định xử phạt này” - LS Thơm nói.

Do đó, theo LS Nguyễn Anh Thơm, để có thể áp dụng đề xuất phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là phải sửa đổi các điều luật hiện hành, bổ sung thêm quy định này. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung luật không phải muốn là có thể làm được ngay trong một sớm một chiều mà cần có lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp luật quy định xử phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông, thì khi thực hiện cũng sẽ gặp không ít vướng mắc. “Khi áp dụng điều này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác như: Đơn vị nào sẽ quản lý, giám sát người vi phạm lao động công ích? Thời gian lao động công ích sẽ như thế nào? Thực hiện ở đâu?... Nếu như trường hợp một người đang sống và làm việc ở Hà Nội, nhưng khi vào Đà Nẵng, vi phạm giao thông ở đó thì sẽ phạt họ lao động công ích ở đâu? Rồi ví dụ như khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch vi phạm giao thông thì sẽ phạt họ lao động công ích như thế nào?...” - LS Thơm phân tích.

Về nguyên tắc, vi phạm giao thông ở đâu sẽ phạt lao động công ích ở đó, nhưng theo nhiều chuyên gia, điều này sẽ kéo theo nhiều vấn đề nan giải như thời gian thực hiện lao động công ích bao nhiêu, vào thời điểm nào cũng khó. Nếu như người vi phạm là công chức, làm việc cả tuần thì chỉ có thể phạt họ lao động công ích vào cuối tuần hoặc vào ban đêm, song điều này ảnh hưởng đến công việc của họ.

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, thay vì chỉ phạt tiền thì nên có thêm hình thức xử phạt bổ sung như lao động công ích đối với người vi phạm giao thông để nâng cao tính răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng hình thức xử phạt bổ sung này đối với những lỗi vi phạm liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông như vượt đèn đỏ, đi sai làn, không chấp hành biển báo giao thông.
Nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng hình thức phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông. Như ở Thái Lan, từ năm 2016 đã ra quy định xử phạt tài xế say xỉn mà tham gia giao thông sẽ bị phạt lao động công ích ở nhà xác bệnh viện. Hay ở Trung Quốc cũng có quy định, đối với những người vi phạm giao thông với những lỗi nhỏ thì thay vì phạt tiền sẽ bị phạt lao động công ích như cầm cờ điều khiến giao thông có sự giám sát hoặc hỗ trợ cơ quan chức năng trong một thời gian nhất định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần