Phạt nặng để siết tiến độ

Gia Tuấn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (VFCEA) khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xoay quanh vấn đề chậm tiến độ dự án bất động sản (BĐS). Theo ông Hùng, mục đích phạt bằng biện pháp kinh tế không phải là tăng ngân sách hay trừng phạt chủ đầu tư vi phạm, mà cái chính để DN đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Chậm tiến độ ở các dự án BĐS từng được ví như “căn bệnh” đang cần được bốc thuốc. Ông nhận định như thế nào về quan điểm này?
- Thực tế, bên cạnh các dự án BĐS hoàn thành đúng mục đích và tiến độ, cũng có khá nhiều công trình năm lần bảy lượt trễ hẹn, ì ạch hơn "rùa bò”. Mặc dù, hợp đồng mua bán có quy định rõ ràng về thời hạn, nhưng lâu nay nhiều chủ đầu tư vẫn tự ý chậm giao nhà mà không trao đổi với khách hàng. Vấn đề tồn tại không hoàn toàn chỉ do yếu tố khách quan, mà bởi “cái bệnh” ắt phải thế trong đầu tư. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chủ đầu tư không thể bàn giao căn hộ đúng cam kết. Trong đó,  chủ yếu là lý do như: Thị trường khó khăn, chính sách tín dụng thắt chặt, đầu tư dàn trải, mất khả năng tài chính…
 Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Ở các nước phát triển xử lý tình trạng chậm tiến độ này ra sao, thưa ông?
- Hình thức mua bán nhà trên giấy đi ngược lại nguyên lý phát triển bền vững của thị trường. Tại Mỹ, sau khi hoàn thành xong dự án, chủ đầu tư mới bán thành phẩm và trả nợ cho ngân hàng (nếu có). Đồng nghĩa, người dân giao dịch các sản phẩm BĐS đã có sẵn nên câu chuyện tiến độ không còn là nỗi lo. Trong khi, ở nước ta, hai bên (chủ đầu tư và khách hàng) chủ yếu vẫn tiến hành mua bán với sản phẩm hình thành trong tương lai. Nguy cơ khách hàng “cầm dao đằng lưỡi” vì thế luôn hiện hữu. Để lấp những lỗ hổng từ việc mua bán nhà trên giấy, pháp luật đã quy định các dự án phải có một ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Thế nhưng, lỗ hổng ở chỗ không hề có dữ liệu Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi và thông tư của Ngân hàng Nhà nước đã thực thi bảo lãnh đến mức độ nào. Điều đó cho thấy, vấn đề bảo lãnh mặc dù có luật nhưng cũng không bảo lãnh tất cả rủi ro cho khách hàng. Và liệu rằng, có bảo lãnh nào bị tranh tụng hay không? Bởi thực tế, nhiều ngân hàng trên nguyên tắc phải bảo lãnh nhưng không thi hành nghĩa vụ.
Theo ông, biện pháp đánh vào "hầu bao" của chủ đầu tư thì sao?
- Ngày 27/11/2017, Chính Phủ ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/1/2018. Điểm mới của Nghị định là quy định việc triển khai xây dựng dự án kinh doanh BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ áp dụng xử phạt với mức phạt tiền từ 250 - 300 triệu đồng. Phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng hoặc việc sử dụng tiền ứng trước khi có yêu cầu; không cho phép bên mua, bên thuê mua được kiểm tra thực tế tiến độ thi công tại công trình. Việc xử phạt đánh vào kinh tế của chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ giảm bớt căn bệnh chậm bàn giao ở hầu hết các dự án BĐS Hà Nội.
Một số trường hợp, chủ đầu tư chậm tiến độ so với hợp đồng mua bán phải chịu lãi phạt trên số tiền khách hàng đã đóng. Thế nhưng, hiện đa số chủ đầu tư tìm đủ lý do không chịu trả phần lãi phạt khiến người mua "thiệt đơn, thiệt kép". Để tránh rủi ro, người mua nhà nên lựa chọn chủ đầu tư uy tín. Bởi với những trường hợp trên, kể cả khi cơ quan chức năng vào cuộc cũng chỉ “phạt” được phần ngọn sai phạm, không “phạt” được phần gốc cố tình chây ì gây thiệt hại lớn cho người dân.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần