Phạt nghiêm để “thuốc đắng dã tật”

Đại úy Đặng Thành Trung (Đội phó Đội CSGT Số 6 - Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một tháng đi vào thực tế (từ 1/8), có thể nói Nghị định 46 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như một “liều thuốc đắng” đối với các “ma men”.

“Thuốc đắng dã tật”, từ khi Nghị định 46 có hiệu lực, tình trạng người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã giảm đáng kể, và cũng từ đó, số người chết vì TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia đã giảm đáng kể.

Góp phần giảm tai nạn giao thông

Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, trong 8 tháng qua, cả nước đã xảy ra 13.612 vụ TNGT, làm chết 5.728 người, làm bị thương 11.781 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.010 vụ, giảm 93 người chết, giảm 1.456 người bị thương.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, TNGT đã giảm trên cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT lại có chiều hướng diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông Đội 3, Công an Hà Nội thực hiện đo nồng độ cồn lái xe trên đường Láng Hạ. Ảnh: Công Hùng­
Cảnh sát giao thông Đội 3, Công an Hà Nội thực hiện đo nồng độ cồn lái xe trên đường Láng Hạ. Ảnh: Công Hùng­
Ở một góc độ khác, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng gửi Ủy ban, trong 8 tháng năm 2016, số vụ TNGT liên quan đến rượu bia chỉ là 2,13%. Tuy nhiên, hiện nhiều ý kiến cho rằng, con số trên chưa phản ánh đúng thực tế. Bởi vẫn còn nhiều lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gây tai nạn nhưng chưa được kiểm tra nồng độ cồn.

Đề cập đến vấn đề này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, trong tháng cao điểm xử lý nồng độ cồn theo Nghị định 46, lực lượng CSGT đã xử lý gần 10.000 trường hợp vi phạm, tập trung ở 4 TP lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ quy định, khi xử lý vi phạm phải chứng minh được lỗi vi phạm, trong khi không có camera đối chiếu, nên nhiều trường hợp đã xảy ra mâu thuẫn giữa người thực thi công vụ và đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, hiện nhiều nhà hàng, quán nhậu khi phát hiện lực lượng CSGT lập chốt, kiểm tra xử lý vi phạm đã thông báo cho khách đi đường khác. Thậm chí, khi bị lực lượng chặn tất cả ngả đường, nhiều nhà hàng còn bố trí nhân viên lái xe cho khách qua chốt của lực lượng CSGT… khiến việc kiểm tra, xử lý gặp không ít khó khăn.

Không có trường hợp ngoại lệ

Theo TS Lê Thị Tuyết Mai – Trung tâm Nghiên cứu ATGT, Học viện Cảnh sát Nhân dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia tăng cao là do nhận thức về Luật Giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, ý thức chấp hành Luật của người tham gia giao thông chưa cao. Công tác quản lý của các cấp chính quyền đối với các loại rượu, bia còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc mua bán, kinh doanh, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn. Cùng với đó, công tác tuyên truyền của các lực lượng chức năng về hậu quả, tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đường bộ đến người dân chưa hiệu quả.

Để hạn chế tình trạng trên, ngoài việc tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về Luật Giao thông đường bộ và các chế tài xử phạt đối với người vi phạm, Nhà nước cần ban hành những chế tài cụ thể trong việc sản xuất, nhập khẩu rượu bia. Đề xuất Chính phủ áp dụng chính sách thuế phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia nhằm làm giảm việc sử dụng rượu bia, cũng như hạn chế tình trạng buôn lậu và sử dụng rượu, bia không đảm bảo tiêu chuẩn...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là xử lý triệt để theo đúng quy định trong Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ, không có trường hợp ngoại lệ. Nếu sợ phạt hàng chục triệu thì đừng tham gia giao thông khi nhậu xong”. Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo CSGT các địa phương duy trì thực hiện kiểm soát vi phạm nồng độ cồn từ nay đến hết năm âm lịch.

Có thể nói, sau hơn một tháng đi vào thực tế, với việc tăng nặng mức xử phạt đối với 115 hành vi, nhóm hành vi, Nghị định 46 đã phát huy được hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự ATGT theo đúng kỳ vọng của Chính phủ. Bởi, xử phạt nặng, đặc biệt là hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đã khiến nhiều lái xe biết sợ, từ đó giảm thiểu được số vụ, số người chết và bị thương do TNGT liên quan đến rượu, bia.