Phật thủ Đắc Sở khẳng định thương hiệu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày giáp Tết, trên các tuyến đường đê dẫn về xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức luôn tấp nập người vào ra.

Thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch phật thủ - loại cây quý đã làm nên thương hiệu đặc sản của vùng đất trù phú này.

Làm giàu từ cây quý

Vườn phật thủ 3 năm tuổi của chị Lê Thị Thảo ở thôn Diềm Xá, xã Đắc Sở (Hoài Đức) nổi tiếng khắp vùng bởi vườn cho quả đẹp và sai trĩu. Chị Thảo cho biết, dịp Tết này, gia đình chị xuất bán ra thị trường khoảng 6.000 quả phật thủ, ước tính cho thu lãi trên 400 triệu đồng. Với số lượng quả lớn nên bên cạnh việc xuất buôn cho các thương lái, chị Thảo còn thuê ki ốt tại chợ Long Biên để bán phật thủ. Năm nay vườn có nhiều quả đẹp, hình dáng độc, lạ nên bán được giá cao, có quả lên tới 3 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn bán được gần chục cây phật thủ cảnh cho khách sành chơi với giá trung bình từ 5 – 6 triệu đồng, cá biệt có cây bán được 20 triệu đồng.
Chị Lê Thị Thảo ở thôn Diềm Xá, xã Đắc Sở (Hoài Đức) chăm sóc Phật thủ tại vườn. 	 Ảnh: Ánh Ngọc
Chị Lê Thị Thảo ở thôn Diềm Xá, xã Đắc Sở (Hoài Đức) chăm sóc Phật thủ tại vườn. Ảnh: Ánh Ngọc
Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Quang Trường, ở thôn Đông, xã Đắc Sở trồng hơn 3 mẫu phật thủ, trong đó có 1 vườn 1,6 mẫu đang cho thu hoạch. Ông Trường chia sẻ, dịp Tết năm nay gia đình ông chủ yếu xuất buôn cho các mối thương lái làm ăn thân quen nên giá bán khá ổn định. Thời điểm này, ông đã cầm chắc trong tay trên 300 triệu đồng tiền lãi. Ông Trường cũng cho hay, giá bán phật thủ thì vô kể, loại thấp nhất thì 50.000 - 70.000 đồng/quả, loại trung bình từ 200.000 – 300.000 đồng/quả, loại đẹp thì có giá vài ba triệu đồng/quả.

Đắc Sở hiện có hơn 200ha phật thủ với trên 400 hộ tham gia sản xuất. Mỗi năm xã cung ứng cho thị trường hơn 4 triệu quả, tương đương với giá trị kinh tế trên 100 tỷ đồng. Nơi đây, hộ trồng ít thì 1, 2 mẫu, hộ trồng nhiều thì 1ha, song thu nhập đều ở mức từ 200 triệu - 1 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng cao, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Không ít người đã trở thành tỷ phú nhờ trồng và buôn bán phật thủ.

Đứng vững trên thị trường

Phật thủ được người dân xã Đắc Sở đưa về trồng cách đây hơn 20 năm thuộc chi cam chanh, có tên gọi xuất phát từ hình dáng của quả chia nhánh trông như bàn tay. Đây còn là một loại cây quý, vì quả còn được dùng làm thuốc chữa các bệnh về gan, dạ dày, hô hấp. Nhận thấy thị trường rộng lớn, Đắc Sở đã quy hoạch vùng sản xuất phật thủ tập trung 100ha và thành lập Hội sản xuất và kinh doanh phật thủ Đắc Sở. Ông Tạ Văn Phúc – Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh phật thủ Đắc Sở cho biết, trồng phật thủ mất nhiều công chăm sóc nhưng bù lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây ăn quả khác và đặc biệt là cho thu hoạch quanh năm. Mặt khác, phật thủ không lo ế. Quả đẹp bán cho khách chưng Tết còn những quả nhỏ, xấu thì bán cho thương lái mang sấy khô, xuất sang Trung Quốc làm thuốc Đông y. Tuy nhiên, phật thủ có nhược điểm là tuổi đời không cao, vì cây chỉ cho quả đẹp trong khoảng từ năm thứ 2 đến năm thứ 5.

Theo kinh nghiệm của những người trồng phật thủ lâu năm thì vào cuối Đông - đầu Xuân được coi là thuận mùa phật thủ, bởi thời gian này cây cho trái có “ngón tay” dài, to và thưa hơn so với các mùa trong năm. Chẳng thế mà phật thủ Đắc Sở đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, thu hút thương lái và cả những người sành chơi cây cảnh về tận vườn tham quan, chọn mua. Mới đây, được sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, phật thủ Đắc Sở đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu được công bố là mốc son khẳng định thương hiệu phật thủ Đắc Sở đang đứng vững trên thị trường. Đồng thời, tạo động lực để người dân địa phương tiếp tục phát triển và nhân rộng loài cây quý này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần