Phạt tối đa lên tới 3 tỷ đồng vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính đề xuất mức tiền phạt vi phạm tối đa lên tới 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Bộ Tài chính đang xin ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Phạt tối đa lên tới 3 tỷ đồng vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Ảnh minh họa
Theo đó, những đề xuất tại Dự thảo Nghị định nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo đồng bộ với những quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản liên quan, phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường và giải quyết được những bất cập trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán theo các quy định đã ban hành trước đây.
Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 47 Điều quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo Dự thảo Nghị định, có ba hình thức xử phạt chính với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán gồm cảnh cáo và phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.
Cơ quan soạn thảo đề xuất mức tiền phạt vi phạm tối đa lên tới 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng thông tin nội bộ và thao túng thị trường chứng khoán, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức vi phạm là 10 lần khoản thu trái pháp luật, đối với cá nhân vi phạm là 05 lần khoản thu trái pháp luật.
Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân thì áp dụng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân.
Mức phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức; cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Về hình thức phạt bổ sung, Dự thảo Nghị định quy định sẽ đình chỉ từ 1 tháng đến 24 tháng đối với: hoạt động chào mua công khai; hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán; hoạt động văn phòng đại diện; hoạt động lưu ký, bù trừ; hoạt động giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán hoặc các hoạt động khác được ghi trong quyết định xử phạt; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, xử phạt bổ sung, Dự thảo Nghị định cũng quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý có thể không cho tiếp tục giao dịch đối với mã chứng khoán bị thao túng trên tài khoản đã cho mượn dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán trong thời hạn từ 1 năm đến 2 năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần