Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển bài bản, khoa học nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/12, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp cùng Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và sự đồng hành của Tập đoàn TH tổ chức Diễn đàn quốc tế “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL), thế giới hiện có 179 nước tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích gần 51 triệu héc-ta, tiềm năng thị trường lên tới 81,6 tỷ USD, chủ yếu tập trung tại thị trường Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản...

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn

Tại Việt Nam, đến nay đã có 33/63 tỉnh, TP phát triển những mô hình nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích 76.600ha (tăng gấp 3,6 lần năm 2010), tập trung tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Cà Mau, Tây Ninh, Ninh Thuận, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang... Tuy nhiên so với tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn quốc (khoảng 26,8 triệu héc-ta) thì tỷ lệ trên còn rất khiêm tốn. Việt Nam hiện đứng thứ 56 trong các nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam tập trung là dừa, nho, chè, lúa, cam, ca cao, rau… Bên cạnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khoảng 93 triệu dân trong nước, sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu ra các thị trường: Nhật Bản, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc…

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong lĩnh vưc nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất theo chuỗi phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước như: và thương hiệu ngày một được khẳng định. Điển hình như Công ty Viễn Phú sản xuất lúa gạo hữu cơ, Công ty TH Herbals sản xuất nguyên liệu thảo dược, Công ty Ecolink và Công ty Hùng Cường sản xuất chè hữu cơ Shan tuyết, Tập đoàn TH với sản phẩm sữa… Một số hợp tác xã trồng rau hữu cơ tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình), cam Hàm Yên (Tuyên Quang); một số trang trại rau PVF, trang trại chăn nuôi Bào Châu, hay dự án thủy sản sinh thái bảo vệ rừng ngập mặn tại Cà Mau… Bên cạnh sản phẩm lương thực, thưc phẩm, cả nước hiện có khoảng 250 đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ, với tổng sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm, đáp ứng 10% lượng phân bón sử dụng...

Đón đầu xu hướng nông nghiệp hữu cơ

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường và góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì, bảo dưỡng hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ sức khỏe con người. Phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam sẽ đón đầu xu hướng đó.

Theo Bộ trưởng, một trong những biện pháp thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển là cần hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện Nghị định nông nghiệp hữu cơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 cũng đang được Bộ NN&PTNT tích cực triển khai. Bộ KH&CN đang chuẩn bị hoàn tất và công bố tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
 Các đại biểu chủ trì diễn đàn 

Để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên chính sách đất đai, tín dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ; ban hành các chính sách đột phá thu hút đầu tư của xã hội sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chỉ đạo các bộ, ngành bổ sung, hoàn thiện TCVN11041:2015, đáp ứng sự phù hợp quốc tế. Đồng thời, bổ sung vào Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia các hoạt động quảng bá, kết nối, giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch, so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đi sau về phát triển nông nghiệp hữu cơ, do đó cần “đi tắt đón đầu”, có những bước đi chắc chắn bảo đảm phát triển bền vững. Đồng tình với nhận định cần tiếp tục hoàn thiện chính sách của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Hà Phúc Mịch kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành cần xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ toàn diện, bộ tiêu chuẩn, chúng nhận hữu cơ riêng cho Việt Nam, đồng thời, giám sát quản lý chứng nhận, bảo đảm tính minh bạch về thục thi quy định pháp luật. Bên cạnh đó là những đề xuất chính sách về ưu đãi tín dụng, thuế, đất đai; trợ giúp nâng cao năng lực sản xuất, các cơ chế phát triển thị trường và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ…

Phát triển nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, hiệu quả

Trong suốt những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Tinh thần kiến tạo của Chính phủ là phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, thông minh để phục vụ hơn 93 triệu dân với thực phẩm, lương thực sạch và hướng vào xuất khẩu.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển nhanh về mạng lưới và quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhấn mạnh nông nghiệp nông thôn nông dân là vấn đề cấp bách hiện nay, do đó việc bảo đảm phát triển nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, hiệu quả thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ là vấn đề cần được quan tâm. Thủ tướng cho rằng, với sự gia tăng tầng lớp trung lưu trong khoảng 12 năm tới (tức tới năm 2030) lên khoảng 50%, tiềm năng về thị trường tiêu thụ sẽ rất lớn, bao gồm cả xuất khẩu. Nút thắt của phát triển nông nghiệp hiện nay là hạn điền, đất đai. Thứ nữa là vấn đề con người và khoa học kỹ thuật – hai yếu tố cũng rất quan trọng. Và cuối cùng là vai trò của các doanh nghiệp, bao gồm cả các hợp tác xã. Đây là những bài toán mà các bộ ngành T.Ư, các địa phương cần tập trung tháo gỡ…
 Toàn cảnh diễn đàn 

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, cần có nhận thức đúng đắn về nông nghiệp hữu cơ, với mục tiêu phất triển không chỉ nhằm đáp ứng phân khúc cao cấp, giúp Việt Nam hội nhập, mà trước nhất là dành cho nhu cầu sử dụng nông sản tốt nhất cho người dân trong nước. “Nông nghiệp hữu cơ chưa thể phát triển ồ ạt mà cần phát triển bài bản, khoa học. Trong quá trình phát triển các loại hình nông nghiệp, cần bảo đảm phát triển hài hòa theo tỷ lệ, tránh làm theo phong trào, tránh mất cân bằng an ninh lương thực” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT tập trung triển khai xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 - 2025, trình Chính phủ xem xét vào quý I năm 2018. Trong đó, chú ý cụ thể hóa các chính sách về hỗ trợ tín dụng, tháo gỡ khó khăn thị trường, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật. Mục tiêu là từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững cho Việt Nam.

Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các địa phương cần có cơ chế quản lý nhất quán, minh bạch, liêm chính nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Cùng với đó là cụ thể hóa các đề xuất, kiến nghị thành kế hoạch hành động cụ thể trong giai đoạn phát triển tới. Bởi theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ngoài đóng góp cho nền kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ còn góp phần giáo dục cộng đồng sống có trách nhiệm với thế hệ tương lai, vì một môi trường sống trong lành.