Phát triển bảo hiểm xã hội đa tầng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) rất cần chính thức hóa khu vực phi kết cấu, hỗ trợ nhóm đối tượng đang gặp khó khăn.

Đề xuất này được đưa ra tại hội thảo Cải cách chính sách BHXH – kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam, do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội.
Thủ tục làm khó người tham gia

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cả nước hiện nay đã có trên 14,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm 30,4% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHXH vẫn thấp so với các nước, quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối dài hạn, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm. Các chế độ BHXH chưa đa dạng và linh hoạt, hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH chưa thuận lợi cho DN, người lao động (NLĐ)….

Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội.  Ảnh: Thanh Hải

Thế nên, để mở rộng diện bao phủ BHXH, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH Phạm Trường Giang đề xuất 9 giải pháp, trong đó có việc xây dựng hệ thống BHXH đa tầng. Tầng 1, lương hưu xã hội cho người cao tuổi không có nguồn thu nhập. Tầng 2, Bảo hiểm hưu trí cơ bản, NLĐ phải đóng theo tỷ lệ do Nhà nước quy định và khoản đó được hạch toán vào tài khoản cá nhân. Người sử dụng lao động đóng theo một tỷ lệ quy định và được hạch toán vào quỹ bảo hiểm hưu trí cơ bản chung để chia sẻ. Tầng 3, bảo hiểm hưu trí bổ sung do NLĐ hoặc người sử dụng lao động tự nguyện đóng góp trên cơ sở thỏa thuận. Bên cạnh đó cũng đề xuất linh hoạt thời gian, mức đóng và điều kiện hưởng BHXH một lần, để NLĐ chủ động tham gia.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Đặng Bá Được đề xuất, NLĐ làm việc và được trả tiền lương theo quy định phải đóng BHXH bắt buộc. Tiến tới, quy định NLĐ từ đủ 15 tuổi trở lên có thu nhập thì bắt buộc phải đóng BHXH. Ông Được cũng đề nghị quy định lại căn cứ đóng – hưởng BHXH. Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi, công khai, minh bạch.

Tăng độ bao phủ khu vực phi chính thức

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thiết kế và triển khai hệ thống BHXH, Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội, Tổ chức ILO Nuno Cunha đã đề xuất xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của NLĐ. Tuy nhiên, cần quan tâm đến việc chuyển NLĐ ở khu vực phi kết cấu vào chính thức, xây dựng chính sách BHXH cho cả một vòng đời, hướng tới phổ cập. Nhất là trong gia đình, con cái tham gia BHXH thì bố mẹ tức thời được hưởng, để hình thành văn hóa đóng BHXH.

Đề cập đến chính sách BHXH khó đi vào đời sống, nhiều người cho rằng, vì người dân chưa có thói quen phòng chống rủi ro. Vì thế, để tạo ra văn hóa đóng BHXH, các chính sách bảo hiểm hưu trí nên được tách ra giữa ngắn và dài hạn. Đồng thời, thiết kế chính sách hưu trí phải thích ứng với già hóa dân số của Việt Nam. Ngoài ra, câu chuyện về mở rộng đối tượng tham gia BHXH luôn là điều trăn trở của những người làm bảo hiểm bởi thực tế, nhiều đối tượng không mặn mà, đặc biệt ở khu vực phi chính thức. Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho những đối tượng đặc biệt và tập trung phát triển BHXH tự nguyện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với kiến nghị mở rộng thị trường lao động, chính thức hóa khu vực phi kết cấu. Cùng với đó, từ 1/1/2018 Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH là biện pháp cơ bản để tăng độ bao phủ số người tham gia. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, nên linh hoạt tỷ lệ đóng để thu hút đối tượng tham gia BHYT tự nguyện. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển quỹ.
Chiều 29/11, tại cuộc họp cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 10/2017, BHXH Việt Nam đã giải quyết cho 111.731 người hưởng BHXH hàng tháng (tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016), 603.076 người hưởng trợ cấp BHXH một lần (tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016), giải quyết hưởng chế độ thai sản, ốm đau, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho trên 7 triệu lượt người (tăng 52% so với năm trước). Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã thanh, kiểm tra 11.804 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, phát hiện 28.942 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia với số tiền 60.506 triệu đồng. (Trần Nga)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần