Phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ là trụ cột kinh tế

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 22/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ TN&MT và Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018. Tới dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đại diện các bộ ngành…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp gỡ các đại biểu tại Lễ công bố các Doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2018.
Bền vững để phát triển
Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, các hiệp định FTA thế hệ mới đang mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam. Mới đây, báo cáo của PwC cho kết quả, trong số 21 nền kinh tế APEC, Việt Nam đã trở thành điểm lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư trong hoạt động mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 12 tháng tới.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam chỉ có thể tận dụng được lợi ích từ các FTA, cũng như các cơ hội trở thành quán quân thu hút FDI hay các mục tiêu phát triển doanh nghiệp khi có được giải pháp thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
Theo đó, phát triển bền vững sẽ dựa trên 3 trụ cột là hiệu quả kinh tế, hài hoà về xã hội và thân thiện với môi trường. "Nói cách khác, lợi nhuận doanh nghiệp phải đạt được thông qua phụng sự xã hội, vì lợi ích của con người và không làm "đau" trái đất. Đối với doanh nghiệp, những giá trị này đang trở thành sức mạnh cạnh tranh cốt lõi", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI đồng thời khẳng định, phát triển bền vững là chiến lược và mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp, "giấy thông hành" của doanh nghiệp đến với thị trường và tương lai.
Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, các hiệp định FTA thế hệ mới đang mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam.
Chính phủ luôn tạo điều kiện
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. “Trong khi phát triển nhanh là hướng vào số lượng thì mục tiêu phát triển bền vững có thể nói là hướng vào chất lượng. Chúng ta cần phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước, còn chúng ta cần phát triển bền vững là đi đến cùng mục tiêu phát triển hùng cường, trường tồn và phồn vinh, thịnh vượng của đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, kiến tạo môi trường phát triển bền vững là cơ hội là điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Phó Thủ tướng khẳng định Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ cùng hướng tới mục tiêu này. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp bền vững là điều kiện để xây dựng một xã hội, đất nước bền vững.
Phó thủ tướng đánh giá cao Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp bền vững. Đây cũng là chỉ tiêu bổ sung hoàn hảo vào bộ chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp mà Chính phủ công bố hàng năm cùng Sách Trắng.
Theo Phó Thủ tướng, trong 5 năm qua, với sự kiến tạo phát triển của Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 30 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 20 bậc, GDP bình quân đầu người tăng suốt 20 năm qua, có được thành công đó là sự cống hiến sáng tạo không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, có tới 71% doanh nghiệp cho biết họ đã lên kế hoạch hành động cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và có 13% đã xác định các công cụ cần và 29% đặt ra các mục tiêu cụ thể. 

Trong khi đó, 90% người dân tin rằng việc các doanh nghiệp đăng ký với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là quan trọng, với hơn 80% cho biết họ có nhiều khả năng sẽ mua hàng hóa và dịch vụ từ các bên đã đăng ký thực hiện các mục tiêu này hơn.