Phát triển bệnh viện vệ tinh: Giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án bệnh viện (BV) vệ tinh giai đoạn 2013 - 2018. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, nhờ đề án này người bệnh được thực hiện các kỹ thuật cao ngay tại tuyến cơ sở, các bác sĩ BV tuyến T.Ư có thêm thời gian để tập trung nghiên cứu phát triển các kỹ thuật cao hơn nữa.

 Bệnh viện T.Ư Huế phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh phẫu thuật cắt dạ dày cho bệnh nhân. Ảnh: Hà Ngân
2.000 kỹ thuật được chuyển giao

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, cả nước có 23 BV hạt nhân, 127 BV vệ tinh, bao gồm 109 BV tuyến tỉnh, 13 BV tuyến huyện và 5 BV tư nhân. Sau 5 năm triển khai đề án, 23 BV hạt nhân đã chuyển giao được gần 2.000 kỹ thuật cho các BV vệ tinh tuyến dưới. Trong đó, nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu đã được chuyển giao trong đề án như phẫu thuật cắt gan của BV E, phẫu thuật tuyến giáp nội soi của BV Nội tiết T.Ư, phẫu thuật ung thư tiêu hóa, tiết niệu của BV K… Nhờ đó, 85,5% BV trong đề án BV vệ tinh có xu hướng giảm tỷ lệ chuyển tuyến.

Đạt hiệu quả rõ nét trong đề án này là mạng lưới chuyên khoa tim mạch. Với BV hạt nhân là BV Tim Hà Nội và 16 BV vệ tinh là BV đa khoa của các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nghệ An, Gia Lai... Phó Giám đốc BV Tim Hà Nội Vũ Quỳnh Nga cho biết, 100% cán bộ, nhân viên y tế trong nhóm tiếp nhận kỹ thuật của 16 BV vệ tinh được đào tạo và làm chủ được các kỹ thuật về nội tim mạch. 15/16 BV làm chủ được các kỹ thuật can thiệp tim mạch… Ngoài ra, BV Tim Hà Nội và 100% các bệnh viện vệ tinh thực hiện được việc đào tạo, hội chẩn và tư vấn khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống Telemedicine. “Việc chuyển giao kỹ thuật đã góp phần giảm thiểu 50% tỷ lệ chuyển tuyến chuyên ngành tim mạch từ 16 bệnh viện vệ tinh lên các bệnh viện tuyến trên so với trước đây” - bác sĩ Nga cho biết.

Còn tại BV đa khoa Thái Bình, thực hiện Đề án BV vệ tinh, BV đã cử 62 bác sĩ tham gia đào tạo 4 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch và huyết học từ các BV hạt nhân là BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt Đức, BV E và Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư. Nếu như trước đây, nhiều ca bệnh khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, phải chuyển lên tuyến trên, đến nay với sự đào tạo bài bản, “cầm tay chỉ việc”, đội ngũ cán bộ y bác sĩ tại BV đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu. Tính trung bình số bệnh nhân chuyển tuyến giảm rõ rệt, từ 3.000 ca/năm, nay chỉ còn 1.000 - 1.500 ca/năm, góp phần giảm áp lực cho các BV tuyến trên.

Tiếp tục nhân rộng

Đánh giá cao tính nhân văn của đề án BV vệ tinh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nhờ có các BV hạt nhân chuyển giao kỹ thuật mà hiện nay, một số BV tuyến tỉnh đã phẫu thuật ghép tạng thành công, nuôi sống trẻ sơ sinh nhẹ cân, BV tuyến huyện cũng đã mổ được nội soi, cứu sống được nhiều ca bệnh nặng... Theo Bộ trưởng, khi BV tuyến dưới được nâng cao trình độ thì các BV tuyến trên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế và nghiên cứu khoa học... "BV tuyến T.Ư chỉ nên tập trung thực hiện kỹ thuật cao, còn các bệnh thông thường nên khám ở tuyến dưới tránh tình trạng BV tuyến T.Ư khám 5.000 - 8.000 bệnh nhân/ngày, bệnh nhân phải xếp hàng chờ từ 4 giờ sáng trong khi BV tuyến dưới lại thưa thớt” - Bộ trưởng chỉ rõ.

Kiến nghị kéo dài đề án đến năm 2025, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, nhiều dự án mới trong đề án năm 2013 - 2018 vẫn đang được thực hiện, một số BV đang xây dựng mới như BV Phổi T.Ư hoàn toàn có thể là một BV hạt nhân tiêu biểu. PGS.TS Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khuyến nghị, để BV vệ tinh phát huy vai trò của mình cần được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ kỹ thuật chuyển giao. Bổ sung nhân lực tại các BV được hỗ trợ, đặc biệt là bác sĩ. Tăng cường chuyển giao các kỹ thuật và đào tạo tại chỗ, kết hợp chặt chẽ với giám sát sau đào tạo để đạt hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.