Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp: Ưu tiên các sản phẩm lợi thế

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ giới hóa đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản. Tại Hà Nội, việc ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp đang diễn ra khá sôi động và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Nâng giá trị nông sản
Là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sữa, đến nay, 8 dòng sản phẩm sữa và từ sữa của Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và đồng cỏ Ba Vì (huyện Ba Vì) đang dần trở nên phổ biến trên thị trường.
Giám đốc Hợp tác xã Tạ Viết Hùng cho biết, cùng với việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu “Trang Vien Green Farm” cho các sản phẩm sữa, đơn vị đặc biệt chú trọng đến áp dụng cơ giới hóa trong khâu chế biến và đóng gói. Không chỉ bảo đảm cho ra thị trường những sản phẩm sữa an toàn, việc bao bì, nhãn mác bắt mắt cũng giúp tiêu thụ thuận lợi hơn.
 Hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng
Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội, những quy trình sản xuất đồng bộ sản phẩm sữa của Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và đồng cỏ Ba Vì lại chưa nhiều. Thống kê cho thấy, toàn TP hiện có khoảng 1.000 cơ sở chế biến nông sản, hầu hết có quy mô nhỏ lẻ. Cụ thể, gần 80% tổng số cơ sở chỉ có thể chế biến thô; công suất cũng mới đạt từ 5 - 10% sản lượng nông sản.
Để khuyến khích việc áp dụng tiến bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, năm 2013, UBND TP đã phê duyệt “Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020”. Việc triển khai Đề án những năm qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Song theo đánh giá, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp của Hà Nội hiện còn thấp so với cả nước. Trình độ công nghiệp hóa nông nghiệp chưa đồng bộ mà còn rời rạc từng khâu. Bên cạnh đó, công nghiệp chế tạo máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp hầu hết phụ thuộc vào nước ngoài, giá thành cao nên việc nhân rộng còn hạn chế…
Nghiên cứu xây dựng tổ hợp chế biến
Việc áp dụng cơ giới hóa đã tạo luồng gió mới cho phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao đáng kể giá trị hàng hóa. Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã đạt 265 triệu đồng/ha. Dù vậy, con số này được cho là chưa tương xứng tiềm năng.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, TP đang tiếp tục khuyến khích các tổ chức, DN, cá nhân đầu tư, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế, ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất. Xây dựng các mô hình thí điểm về quản lý cơ giới hóa nông nghiệp tổng hợp với quy mô cấp huyện; tiến tới nghiên cứu phát triển một khu phức hợp chế biến, bảo quản nông sản.
Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản đã được chế biến và chế biến sâu. Thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho DN chế biến theo hướng tăng cường nguồn lực, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện...), tạo thuận lợi cho phát triển cơ giới hóa. Đồng thời, củng cố quan hệ sản xuất, tạo điều kiện để các hợp tác xã trở thành nòng cốt trong quá trình thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Hà Nội hiện có 5.768 máy làm đất, 288 máy cấy, 896 máy gặt đập liên hợp, 990 máy phun thuốc có động cơ và 10 dây chuyền gieo mạ khay tự động. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành bò sữa đã phát triển 3.000 máy thái cỏ, 840 máy vắt. Bên cạnh đó là 1.789 hệ thống làm mát chuồng trại và 2.190 hệ thống ăn uống tự động, bán tự động trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần