Phát triển công nghiệp thông qua M&A

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A)”.

Trong bối cảnh giá trị của các thương vụ M&A thời gian qua liên tục tăng trưởng và đã vượt mức 5 tỷ USD, cùng với việc Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh công tác cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, sự kiện nhằm cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua M&A, từ đó thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
 Các đại biểu chia sẻ với các doanh nghiệp tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, công nghiệp Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với chỉ số sản xuất toàn ngành có mức tăng trung bình trên 7%/năm kể từ năm 2012. Trong đó, có những ngành được đánh giá tăng trưởng vượt bậc trong năm 2016 như sản xuất kim loại tăng 17,9%, sản xuất xe có động cơ tăng 16,4%, sản phẩm điện tử máy vi tính và quan học tăng 12,8%... “Nếu xét về mặt hàng, một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số công nghiệp tăng cao gồm, ti vi, thép cán, ô tô, sắt thép thô, thức ăn gia súc, sữa bột” – vị này nói.
Số liệu gần nhất của Tổng cục Thông kê cho thấy, sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng tốt trong năm 2017 với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung 11 tháng đã tăng 9,3% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016. Từ số liệu này, ông Vũ Bá Phú cho rằng, nếu có sự đầu tư và hợp tác từ những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, khả năng quản lý chuyên nghiệp, tiềm năng vốn lớn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá, phát triển hơn.
Thị trường M&A thời gian qua đã chứng kiến nhiều thương vụ trong lĩnh vực công nghiệp có yếu tố nước ngoài, tiêu biểu như: Tập đoàn SCG và Công ty vật liệu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn CJ và Công ty Cầu Tre, Earth Chemical và Công ty Á Mỹ Gia, hay Công ty Daesang và Công ty Thực phẩm Đức Việt… Đặc biệt, chiều 18/12 công ty có liên quan đến tỷ phú Thái Lan ThaiBev thông qua Vietnam Beverge đã mua chóng vánh 343,66 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ. “Điều này thể hiện sự chủ động tìm kiếm cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, cũng như việc thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A trong lĩnh vực công nghiệp” – ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn rót vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn để đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, các nhà đầu tư châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất… Tuy nhiên, khu vực được đánh giá có nhiều nhà đầu tư lớn là Bắc Mỹ và châu Âu lại chưa có nhiều thương vụ, chủ yếu là một số lĩnh vực lớn trong lĩnh vực dầu khí và hàng tiêu dùng. Vì vậy ông Vũ Bá Phú chỉ ra, trong thời gian tới cần có biện pháp đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến đầu tư quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu.
Ngoài ra, nguồn vốn trong nước cũng đang dần khẳng định vị thế trên thị trường M&A với số lượng thương vụ của các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã xây dựng chiến lược dài hạn, trong đó M&A đã trở thành công cụ quan trọng để thực hiện. Mặt khác, các quỹ đầu tư trong nước cũng tăng trưởng cả về lượng và quy mô, giúp thúc đẩy số lượng và giá trị các thương vụ của các doanh nghiệp trong nước…