Phát triển đàn gia súc ăn cỏ gắn với liên kết chuỗi

Bài, ảnh: Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiện nay có rất nhiều lợi thế phát triển, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh như hiện nay. Do đó, ngành cần tập trung từ cơ chế chính sách, cách tổ chức sản xuất để phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường thực phẩm, khai thác dư địa tiềm năng lợi thế” – là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trong Hội nghị phát triển gia súc ăn cỏ, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt theo hướng hạn hán nên tương lai không thể đủ nước để duy trì 3,8 triệu ha đất lúa và 1,5 triệu ha ngô được. Do đó, chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ đang là lợi thế rất lớn để tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
 Chăn nuôi bò tại Ba Vì.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, trong đó có chính sách về nghiên cứu khoa học, khuyến nông, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ thiên tai, kiểm soát dịch bệnh. Đến nay, các chính sách này đã và đang đi vào thực tiễn, thu hút người dân và các DN đầu tư phát triển chăn nuôi. Ngành đặt mục tiêu nâng cao và duy trì mức tăng trưởng trung bình giá trị sản phẩm của gia súc ăn cỏ giai đoạn 2019 - 2025 đạt 5 - 6%/năm.
Cụ thể, sản lượng thịt hơi gia súc ăn cỏ đến năm 2025 đạt trên 500.000 tấn, chiếm trên 10% tổng sản lượng thịt các loại; sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt từ 1,8 - 2 triệu tấn, đạt trung bình tiêu thụ khoảng 35 kg/người/năm. Tuy nhiên hiện nay, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn còn gặp nhiều thách thức. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao dẫn đến chưa kiểm soát được vấn đề dịch bệnh, VSATTP và năng suất, giá thành… Cả nước hiện sản xuất khoảng 5,5 triệu tấn thịt các loại nhưng sản lượng thịt gia súc ăn cỏ chỉ chiếm 8,6%.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã cùng nhau đóng góp ý kiến vào việc phát triển bền vững ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Trong đó, đa số các ý kiến đều cho rằng giải pháp quan trọng nhất hiện nay là đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường. Trong đó, các DN đóng vai trò làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết tổ hợp tác, hội, hiệp hội ngành hàng; chú trọng việc xây dựng các thương hiệu.
Cùng với đó đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn bệnh lây lan, khống chế, tiến tới thanh toán một số bệnh nguy hiểm ở động vật. Kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần