Phát triển điện gió tại Việt Nam chưa xứng tầm

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng phát triển điện gió tại Việt Nam lại chưa xứng tầm là đánh giá được các chuyên gia nêu ra tại Hội thảo Năng lượng Gió tại Việt Nam do Đại sứ quán Đan Mạch và Tập đoàn Vestas phối hợp tổ chức ngày 29/11, tại Hà Nội.

Hoàn thiện khung pháp lý

Việt Nam có đường bờ biển dài, tiềm năng ước tính khoảng 24GW (công suất hệ thống hiện tại 39GW) nhưng đến thời điểm này, tổng công suất lắp đặt mới đạt được 159,2 MW.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, với hơn 3.200km bờ biển, diện tích tiềm năng điện gió tốt và khá tốt tại Việt Nam vào khoảng 2.700km2, tương đương khoảng 10.000 MW điện gió trong đất liền.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Các nguyên nhân chủ yếu điện gió chưa phát triển mạnh do suất đầu tư dự án điện gió cao so với các nguồn điện truyền thống, giá mua điện gió chưa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nguồn cung cấp linh kiện, thiết bị và dịch vụ trong nước còn hạn chế, nguồn nhân lực kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường vốn còn hạn chế…

Trước thực tế đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức và phương thức quản lý trong lĩnh vực điện gió. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiên cứu sửa đổi giá bán điện gió ở các mức khác nhau cho các khu vực dự án trong đất liền và trên biển để thống nhất áp dụng cho tất cả các dự án điện gió trên phạm vi cả nước theo hướng tăng giá mua điện gió quy định tại Quyết định 37/2011/QD-TTg.

Đánh thức tiềm năng

Trong khi đó, ông Naveen Raghavan Balachandran - Giám đốc Phát triển kinh doanh của Tập đoàn Vestas cho hay, tiềm năng ở Việt Nam là rất lớn nhưng chưa thực sự được đánh thức. Việt Nam có trữ lượng gió dồi dào, cùng với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. “Nhằm hỗ trợ cho Việt Nam phát triển điện gió, Vestas sẽ tiếp tục giúp Việt Nam xây dựng năng lực thông qua các hội thảo kỹ thật, tạo việc làm tại các dự án đã được triển khai; chuyển giao tri thức và cầm tay chỉ việc cho lao động Việt Nam…” – ông Naveen Raghavan Balachandran khẳng định. Đồng thời mong muốn Việt Nam cân nhắc đến các yếu tố như giá điện, rủi ro tín dụng và phương án trợ vốn khả thi…, nhằm thu hút hơn nữa sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.

Trước đó, theo Quy hoạch điện Quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, mục tiêu phát triển điện gió được đặt ra là tổng công suất nguồn điện gió đạt 800 MW vào năm 2020, đạt 2.000 MW năm 2025 và đạt khoảng 6.000 MW năng lượng gió vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030. Để thúc đẩy đầu tư phát triển điện gió, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại tại Việt Nam, trong đó quy định giá điện FIT cho điện gió và quy định Bên mua điện phải bao tiêu toàn bộ sản lượng điện gió phát lên hệ thống.

Cũng tại Hội thảo các cơ quan quản lý Nhà nước, các DN, các tổ chức nghiên cứu và các đơn vị tư vấn tại Việt Nam có cơ hội tốt để tìm hiểu, trao đổi các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, chính sách và giải pháp tài chính quốc tế nhằm tăng cường hoạt động hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện gió.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần