Phát triển đô thị thông minh: Nguồn lực con người phải đi trước

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện nhằm phát triển theo định hướng một đô thị thông minh (ĐTTM). Theo các chuyên gia, bên cạnh những điều kiện như chính sách, hạ tầng kỹ thuật…, con người chính là nguồn lực vô cùng quan trọng và cần được chuẩn bị trước một bước.

 Đại lộ Thăng Long, TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Bắt đầu từ cán bộ, công chức

Nhiều chuyên gia cho rằng, ĐTTM là mô hình TP ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị; cải thiện chất lượng phục vụ dịch vụ công và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Mỗi ĐTTM đều phải đạt được 2 yếu tố cơ bản là: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh; lực lượng nhân sự vận hành, quản lý được đào tạo chuyên nghiệp.

Giám đốc Công nghệ, đô thị số & an ninh nội địa, Dell EMC Martin C. Yates chia sẻ, nhân sự là một yếu tố vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng, vận hành, quản lý ĐTTM. Ví như Singapore, để vận hành được ĐTTM phải cần đến khoảng 10.000 cán bộ, công chức được đào tạo, chuyển giao kỹ năng về công nghệ thông tin, đặc biệt là đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực hành chính công.
Xét trên khía cạnh nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo là vấn đề then chốt, vì điều cốt yếu là mọi người phải nâng cao kỹ năng đáp ứng cho công việc sử dụng công nghệ cao. Do đó, Chính phủ, Chính quyền đô thị, các nhà cung ứng công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục cần hợp tác chặt chẽ trong quá trình giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam Denis Brunetti
Giai đoạn hiện nay, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng từng phần trong một kiến trúc tổng thể của ĐTTM. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất đang gặp phải là thiếu nguồn nhân lực hiểu biết và được đào tạo chuyên nghiệp, đủ khả năng vận hành, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Các chuyên gia cho rằng, giải quyết vấn đề nhân sự cho ĐTTM không chỉ đơn giản là đào tạo một lớp cán bộ, công chức biết dùng các thiết bị thông minh. Thạc sỹ quản lý đô thị Đinh Quốc Thái chia sẻ, cần có cách tiếp cận chiến lược đối với vấn đề nguồn lực nhân sự. Trước hết phải có định hướng phát triển ĐTTM một cách rõ ràng, hoạch định kiến trúc tổng thể bao gồm mọi lĩnh vực của đời sống như: Giao thông thông minh; Y tế thông minh; Giáo dục thông minh.

Từ đó có kế hoạch lựa chọn cả về số lượng, chất lượng nhân sự rồi đào tạo chuyên sâu. Chuẩn bị nguồn lực nhân sự phải song hành với xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt cán bộ, công chức, viên chức phải là những người đầu tiên được đào tạo, có hiểu biết sâu sắc về công nghệ thông tin. “Bởi họ là những người vừa trực tiếp cung cấp, vừa có vai trò tuyên truyền, chuyển giao kỹ năng thiết yếu cho người dân sử dụng các dịch vụ công thông minh” - ông Thái nhấn mạnh.

Người dân cũng cần học tập

Trưởng Ban phát triển số Ngân hàng Thế giới Samia Melhem nhận định: “Không có ĐTTM nào trên thế giới chỉ được phát triển dựa vào công nghệ; mà nền tảng con người rất quan trọng”. Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nhân sự vận hành, quản trị ĐTTM, Chính quyền đô thị cũng cần phải có sự tương tác với người dân ngay từ những bước đi đầu tiên. Quá trình tương tác sẽ tăng thêm hiểu biết và tạo dựng lòng tin của người dân vào một ĐTTM. Mặt khác, Chính quyền cũng sẽ tiếp nhận được những ý kiến phản biện, góp ý của người dân để điều chỉnh chính sách, công nghệ sao cho phù hợp nhất.

Ông Martin C. Yates còn lưu ý, các thiết bị di dộng hiện nay rất phổ biến, nhưng chủ yếu mới chỉ phục vụ những nhu cầu tối thiểu của người dân. Khi định hình được nền tảng kỹ thuật cho một ĐTTM, các thiết bị di động sẽ có vai trò quan trọng trong việc liên kết, sử dụng dịch vụ, tiện ích thông minh hàng ngày của người dân. Bởi vậy, cần có kế hoạch chuyển giao cho người dân những kỹ năng tầm trung nhằm sử dụng một cách hiệu quả thiết bị di động cũng như các dịch vụ của ĐTTM.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến vai trò và sức sáng tạo của người dân. Bên cạnh lớp cán bộ, công chức, nhân viên được đào tạo để nghiên cứu, vận hành, quản trị ĐTTM, Chính quyền đô thị cũng cần có những chính sách thiết thực, khuyến khích các ý tưởng xây dựng và chuyển giao kỹ năng, công nghệ hình thành tại khu vực ngoài Nhà nước. Đồng Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam Denis Brunetti cho rằng, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của ĐTTM cần phải được tận dụng tối đa để thúc đẩy và hiện thực hóa tiềm năng sáng tạo của chính những TP này nhằm phát triển bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần