Phát triển đô thị xanh, bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại hội thảo "Năm 2050: Hướng tới tăng trưởng bền vững và thịnh vượng" trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44, các vấn đề liên quan đến tiến trình đô thị hoá toàn cầu đã được các đại biểu hết sức quan tâm.

KTĐT - Tại hội thảo "Năm 2050: Hướng tới tăng trưởng bền vững và thịnh vượng" trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44, các vấn đề liên quan đến tiến trình đô thị hoá toàn cầu đã được các đại biểu hết sức quan tâm.


Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda dự báo đến năm 2020, tỷ lệ dân sống tại đô thị sẽ chiếm tới 60 - 70%. Việc phần lớn dân số sẽ sinh sống và làm việc trong đô thị đã gây áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng, vấn đề cấp nước, năng lượng và xử lý rác thải... Các chuyên gia của ADB đã nhiều lần khuyến nghị các nước cần tập trung vào quy hoạch và xây dựng đô thị bền vững, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến loại hình "đô thị xanh".


Tại Indonesia, các khu đô thị mới lấy yếu tố "xanh" làm trung tâm ngay khi vừa ra đời đã trở thành xu thế phát triển mới. Các kiến trúc sư và kỹ sư Indonesia đã và đang nghiên cứu những "nguyên tắc xanh" trong thiết kế để các công trình đạt hiệu suất cao về sử dụng năng lượng, vật liệu,...


 
Trong khi đó, thành phố Le Havre (Pháp) coi việc phát triển du lịch đến từng khu dân cư là điểm mấu chốt để phát triển “đô thị xanh" và bền vững. Tại Hamburg (Đức), khu Hafen City trên bờ sông Elbe là hình mẫu điển hình cho đô thị bền vững của thành phố chịu ảnh hưởng thủy triều. Từ các phố của một cảng cổ, các kiến trúc sư đã thiết kế khu đô thị mới với 5 bậc: Phía ngoài là cầu tàu gồm các phao có thể lên xuống 3 mét theo con nước, tiếp theo là bến cảng và lối đi bộ, trên nữa là các công viên nằm giữa mức cao trình bến cảng với mặt đường cùng nền kiến trúc. Những cây cầu và đường dẫn bộ hành liên kết phố cổ dưới thấp vào thành phố mới trên cao, giúp Hamburg tiết kiệm tối đa diện tích đất và tạo ra môi trường sống thoải mái cho người dân.


Đặc biệt, nhằm xây dựng môi trường bền vững, Cục Công trình và Xây dựng Singapore đã đưa ra hệ thống đánh giá công trình xanh phù hợp với khí hậu nhiệt đới như cải thiện hiệu quả năng lượng, bảo tồn nước, chất lượng môi trường trong nhà, giảm thiểu chất thải trong công trình. Năm 2009, chính phủ Singapore đã đưa ra cam kết: Toàn bộ các công trình xây dựng mới của khu vực Nhà nước và công trình đang cải tạo lớn phải đạt điểm xanh cao nhất; các doanh nghiệp muốn đầu tư vào các khu đất có vị trí chiến lược phải đảm bảo các tiêu chuẩn điểm xanh như một phần của điều kiện để được cấp đất… Ngoài ra, chính phủ còn dành nhiều ưu đãi cho khu vực tư nhân khi xây dựng, cải tạo công trình xanh. Năm 2009, bên cạnh chương trình ưu đãi trị giá 100 triệu SGD, các chủ đầutư có công trình xây dựng mới đạt xếp hạng điểm xanh ở mức cao còn được thưởng tổng diện tích sàn. Nhằm quy chuẩn hoá việc xây dựng "đô thị xanh", Singapore đã ban hành Luật Quản lý công trình. Theo đó, các dự án có cải tạo trên 2.000m2 tổng diện tích sàn hoặc xây mới phải đạt điểm xanh bắt buộc. Đối với công trình hiện hữu, phương thức chia giai đoạn để xanh hóa cũng đã được đề ra. Ngoài ra, việc đào tạo, truyền thông về vấn đề xây dựng và phát triển "đô thị xanh" được đặc biệt coi trọng. Việc tuân theo chặt chẽ "Quy hoạch tổng thể công trình xanh" và áp dụng nhiều biện pháp hợp lý, Singapore đã đạt được kết quả rất ấn tượng: Từ 17 dự án công trình "xanh" năm 2005 đã tăng lên 500 dự án trong năm 2010. Đặc biệt, tháng 2/2011, Singapore được Viện Nghiên cứu kinh tế (EIU) đánh giá là thành phố xanh nhất châu Á thông qua đánh giá 8 tiêu chí: năng lượng và khí CO2, sử dụng đất đai và nhà cửa, giao thông, chất thải, nước, vệ sinh, chất lượng không khí và cuối cùng là sự lãnh đạo về môi trường.

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần