Phát triển du lịch huyện Mê Linh: Tập trung vào hai mũi nhọn

Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở hữu nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội đặc sắc cùng thế mạnh nông nghiệp, huyện Mê Linh đang chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững.

Nhiều thế mạnh
Huyện Mê Linh nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Du lịch văn hóa tâm linh với 161 di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật giá trị. Trong số 74 di tích đã được xếp hạng. Nổi bật là Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng với cảnh quan đẹp, nơi diễn ra Lễ hội Đền Hai Bà Trưng mang đậm giá trị văn hóa bản địa, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu năm 2018. Du lịch sinh thái gắn liền với Đồi 79 mùa Xuân, là nơi thờ tự Bác Hồ với khung cảnh đồi thông cùng các dịch vụ dã ngoại, kết hợp nghỉ dưỡng cuối tuần. Du lịch nông nghiệp, trải nghiệm trên cơ sở phát huy giá trị làng nghề trồng hoa truyền thống tại xã Mê Linh, hoa cúc xã Đại Thịnh trên cơ sở hình thành các nhà vườn trồng, nhân cấy giống hoa kết hợp thăm và trải nghiệm cánh đồng trồng rau, củ, quả sạch tại xã Tráng Việt.
 Du khách tham quan vườn hoa hồng nhà anh Phạm Văn Tài. Ảnh: Hồ Hạ
Là “vựa hoa” nổi tiếng của Thủ đô, huyện Mê Linh với gần 1.000ha trồng hoa, cung cấp cho Hà Nội khoảng 20% tổng lượng hoa tiêu thụ mỗi năm. Trong đó có hơn 100 hộ kinh doanh nhà vườn chuyên trồng hoa kiểng, hoa thế, bonsai. Riêng gia đình anh Phạm Đức Tài, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, có gần 20 năm làm hoa, từ trồng hoa hồng cắt cành rồi chuyển sang làm hoa thế, bonsai, hiện anh làm chủ một nhà vườn rộng 5.000m2 với 20.000 chậu hoa với đủ chủng loại, kiểu dáng luôn khoe sắc. Mỗi tháng nhà vườn của anh cung cấp ra thị trường hơn 2.000 chậu hoa các loại. Mô hình trồng hoa nhà vườn Mê Linh đã được Phòng Kinh tế huyện Mê Linh đánh giá rất cao và lựa chọn làm mẫu để các xã lân cận tham quan, học tập, nhân rộng. Đầu năm nay, Mê Linh có 3 làng hoa, cây cảnh được TP công nhận danh hiệu làng nghề gồm: Liễu Trì, Hạ Lôi và Đại Thịnh. Đây là tiền đề để Mê Linh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp - sinh thái. Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho biết: Huyện xác định Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng là sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh mang đặc trưng của huyện, kết hợp với sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái. Đây là hai mũi nhọn được ưu tiên đầu tư trong thời gian tới”.

Xây dựng đề án phát triển du lịch

Cũng theo ông Hồng, để phát triển du lịch một cách căn cơ, bài bản, bền vững, hiệu quả cao, huyện xác định trong tương lai sẽ trở thành "đô thị xanh và hoa". UBND huyện Mê Linh đã hoàn thành Đề án phát triển du lịch huyện Mê Linh giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, sẽ trình HĐND huyện xem xét trong kỳ họp tới. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng và sẽ cho triển khai một đề án tuyên truyền bao gồm: Cổng giao tiếp điện tử; biển bảng chỉ dẫn đồng bộ; mô hình du lịch trải nghiệm; kết nối với các cơ quan truyền thông... nhằm đẩy mạnh thương hiệu du lịch cho Mê Linh.

Hiện, huyện Mê Linh đang phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xây dựng tour tìm hiểu đặc trưng phụ nữ Việt Nam; xây dựng phương án quy hoạch các nhà vườn trồng hoa hồng, hoa cúc, các loại hoa theo mùa, cánh đồng trồng rau, củ, quả sạch công nghệ cao, khu du lịch sinh thái tại Khu đô thị Long Việt, Đồi 79 mùa Xuân... để phục vụ du khách có nhu cầu tham quan, chụp hình, trải nghiệm, mua sắm, nghỉ dưỡng cuối tuần. Đồng thời phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, đơn vị kinh doanh lữ hành xây dựng các tuyến du lịch gắn với giới thiệu sản phẩm bước đầu đã thu hút được đông đảo du khách tham quan. Xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm thủ công, khôi phục các làng nghề truyền thống.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, nội dung thông tin về Đền thờ Hai Bà Trưng hiện đang được Sở cập nhật và chuẩn hóa, triển khai trên một số ngôn ngữ để đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của khách du lịch. Dựa trên thông tin đó sẽ xây dựng thành kịch bản văn học, clip, ảnh 360o và đăng tải trên trang thông tin của Sở Du lịch sau khi hoàn thành. Cùng với đó, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với huyện trong vấn đề tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch cộng đồng, tuyên truyền quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng và tiếp tục triển khai các kế hoạch hỗ trợ phát triển du lịch cùng với huyện Mê Linh trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đề nghị huyện quan tâm xây dựng hồ sơ trình TP công nhận điểm đến du lịch của Hà Nội như Đền Hai Bà Trưng, làm điểm nhấn thương hiệu, tuyên truyền quảng bá; đồng thời cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, môi trường cảnh quan, hạ tầng dịch vụ phụ trợ đáp ứng nhu cầu của du khách.

Với những bước đi bài bản cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân, tin rằng, các sản phẩm đặc thù của huyện Mê Linh sẽ ngày càng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của du lịch Thủ đô.