Phát triển du lịch làng nghề: Chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn đầu tư

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND, trong đó có nội dung “hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề”. Tuy nhiên, chính sách chưa đi vào thực tiễn, do mức hỗ trợ được đánh giá là còn thấp, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trải nghiệm làm đồ gốm tại làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm.
Tiềm năng rộng mở

Theo thống kê, toàn TP hiện có 308 làng nghề truyền thống và làng có nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Tổng giá trị sản phẩm hàng hóa của các làng nghề bình quân đạt khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. Một số làng nghề có doanh thu cao vượt trội như Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) đạt 1.600 tỷ đồng/năm; làng nghề cơ khí nông cụ xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) đạt 1.209 tỷ đồng/năm...

Bên cạnh giá trị kinh tế từ các sản phẩm hàng hóa có thể “cân đo đong đếm”, du lịch làng nghề của Hà Nội cũng được đánh giá là có tiềm năng rất lớn. Toàn TP hiện có 17 làng nghề truyền thống nằm trong danh mục dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Nhiều huyện, thị xã khu vực ngoại thành như Ba Vì, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Sơn Tây… không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sản vật địa phương phong phú, mà còn tồn tại nhiều làng nghề truyền thống độc đáo, có khả năng phát triển ngành du lịch nông thôn.

Thực tế, trong thời gian qua, Hà Nội đã thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu làng nghề và logo cho làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông). Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng những sản phẩm lưu niệm đặc trưng nhằm định vị hình ảnh cho làng nghề. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp đơn lẻ, chưa mang lại hiệu quả sâu rộng.

Hỗ trợ thấp, nhà đầu tư không mặn mà

Để thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm du lịch tại các làng nghề, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia đề án sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ bằng tiền toàn bộ kinh phí mua vật tư xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, khu trung tâm trưng bày – giới thiệu sản phẩm, nhưng không quá… 1 tỷ đồng/làng nghề. Các chi phí còn lại được huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chính sách được ban hành từ năm 2013, tuy nhiên, kết quả rà soát mới đây của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, kể từ khi được ban hành đến nay, các sở, ngành, địa phương chưa thể triển khai được tại bất cứ làng nghề nào. Nguyên nhân là bởi mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho một làng nghề (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, khu trung tâm trưng bày – giới thiệu sản phẩm) không quá 1 tỷ đồng là quá thấp, không đủ để triển khai thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nêu trên đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, nhưng khả năng thu hồi vốn thấp. Chính vì vậy, việc kêu gọi xã hội hóa vào lĩnh vực phát triển du lịch làng nghề rất khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân cho đến nay, chưa có quận, huyện, thị xã nào kêu gọi được nhà đầu tư để triển khai theo Nghị quyết số 25.

Đại diện phòng kinh tế một số quận, huyện, thị xã cho rằng, việc xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, khu trung tâm trưng bày – giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề để phục vụ du khách cần diện tích từ 3.000 – 5.000m2; và tổng mức đầu tư khoảng 6 – 8 tỷ đồng/dự án. Do đó, kiến nghị HĐND - UBND TP Hà Nội nghiên cứu, xem xét việc nâng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển du lịch làng nghề theo Nghị quyết số 25. Có như vậy, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nhằm thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề mới mong có được kết quả khả quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần