Phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội: Làm càng sớm hiệu quả càng cao

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo Nghiên cứu thúc đẩy phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội diễn ra sáng 1/3, GS Shigeru Morichi – Học viện Chính sách quốc gia Nhật Bản khẳng định, việc này làm càng sớm càng mang lại hiệu quả cao.

Thực hiện nhanh
Theo GS Morichi, hiện nay, Hà Nội đang đối mặt với nhiều vấn đề về giao thông, trong đó nổi bật là tình trạng ùn tắc. Ngoài ra còn nảy sinh nhiều bất cập như thiếu nơi đỗ xe, thiếu không gian cho người đi bộ... Đây không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nôi, mà còn là tình trạng chung đang diễn ra tại nhiều đô thị có mật độ dân số cao ở châu Á.
“Các siêu đô thị ở châu Á dân cư thường tập trung đông ở khu trung tâm. Điều này đương nhiên sẽ bất lợi cho giao thông. Nếu không có hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị, rất khó để giải quyết được vấn đề này” - GS Morichi cho biết.
 Nhà ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Công Hùng
Đề cập đến vai trò của hệ thống đường sắt đô thị đối với việc giải quyết tình trạng kẹt xe ở các đô thị lớn, GS Morichi cho hay, nhiều quốc gia lớn trên thế giới lâu nay coi việc phát triển hệ thống giao thông công cộng là giải pháp hàng đầu. Đơn cử ở các nước châu Âu, Mỹ, thường đầu tư phát triển hệ thống giao thông nhẹ (LRT) và xe buýt nhanh (BRT), hiệu quả mang lại đối với việc giảm ùn tắc giao thông tương đối tốt.
Tuy nhiên, GS Morichi cho rằng, với tình trạng giao thông tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào LRT và BRT sẽ khó giải quyết được ùn tắc. Do đó, phát triển hệ thống đường sắt đô thị được coi là giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất cho bài toán ùn tắc giao thông ở các siêu đô thị như Hà Nội.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, phát triển đường sắt đô thị rất quan trọng, nhưng cần thực hiện nhanh, bởi đầu tư đúng lúc, đúng thời điểm sẽ làm tăng thị phần sử dụng giao thông công cộng. Còn nếu đầu tư chậm, hiệu quả sẽ không cao, bởi khi đó khó thay đổi thói quen của người dân chuyển từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng. “Ở Đài Bắc, đường sắt đô thị được đầu tư đúng thời điểm, nên thu hút được nhiều người dân sử dụng.
Còn ở Mỹ, trong khoảng 10 năm trở lại đây phát triển đường sắt đô thị, nhưng không nhiều người sử dụng. Nguyên nhân là do người dân ở đó đã quen với việc sử dụng phương tiện cá nhân trong khi việc đầu tư đường sắt đô thị chậm. Với tình hình hiện nay của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần nhanh chóng phát triển hệ thống đường sắt đô thị” - GS Morichi khẳng định.

Thay đổi cấu trúc phát triển đô thị

Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị không chỉ giúp giải quyết các vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông, mà còn góp phần thay đổi cấu trúc phát triển đô thị. Chuyên gia đến từ Nhật Bản thông tin, kết quả nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, cấu trúc phát triển đô thị ở những nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có khác biệt khá rõ rệt so với Nhật Bản và một số nước phát triển khác.
Nếu như tại Nhật Bản, các đô thị phát triển trên diện rộng, phân bố tương đối đều và phát triển dọc theo các tuyến đường sắt đô thị thì tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, đô thị thường chỉ phát triển dọc theo các tuyến đường bộ. Còn dọc theo các tuyến đường sắt, hệ thống đô thị hầu như không có nhiều, nếu có cũng chỉ phát triển theo khu vực cá thể và bị chia tách nhỏ ra nhiều nơi rời rạc.
Sự khác biệt này phần nào cũng ảnh hưởng đến phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai. Vì thế, để phát triển đường sắt đô thị, cần xây dựng các khu vực quảng trường ga đường sắt. Đây sẽ là nơi dành cho dịch vụ gom khách và phát triển đô thị. Ngoài ra, phát triển hệ thống đường sắt đô thị cũng cần có sự phân tách về khoảng cách di chuyển giữa các điểm đầu – cuối của mỗi tuyến tương ứng với tốc độ di chuyển của tàu điện. Thường thì những tuyến xa cần đầu tư tàu điện tốc độ cao để thuận lợi cho việc đi lại của người dân hơn.
“Ở Tokyo có rất nhiều tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tàu Shinkansen Railwway chạy tốc độ nhanh nhất lên tới 120 – 130km/h. Tàu tốc độ cao rất được người đi các địa phương xa ưa thích vì tiết kiệm được thời gian đi lại” - GS Morichi nói.

Ông Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại đây, cùng với phát triển xe buýt công cộng, Hà Nội đã đưa thêm vào khai thác hệ thống BRT, phát triển hệ thống giao thông đường sắt đô thị... Sự xuất hiện của những hệ thống giao thông công cộng này đã và đang góp phần rất tích cực, hiệu quả trong việc giảm ùn tắc ở Thủ đô.
Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay, cần 8 - 10 năm mới hoàn thành được một dự án đường sắt đô thị. Trong khi đó sức ép về giao thông vẫn liên tục tăng theo từng năm. “Những kinh nghiệm của Nhật Bản là rất quý báu, cần thiết cho Hà Nội trong việc phát triển hệ thông giao thông đô thị” - ông Trường khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần