Phát triển gạch không nung: Có chế tài vẫn khó triển khai

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2010, Chính phủ đã ban hành những quy định cụ thể để phát triển vật liệu xây không nung, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, nhưng đến nay, việc thực hiện quy định này vẫn rất hạn chế.

Nhiều ưu điểm

Gạch không nung có ba chủng loại chính gồm: Gạch xi măng cốt liệu (còn gọi gạch block); gạch bê tông khí chưng áp AAC và gạch bê tông bọt. Sử dụng những loại gạch này đều đem lại những ưu điểm như, giảm chi phí kết cấu nền móng (do gạch này nhẹ hơn gạch nung), dẫn đến giảm giá thành công trình, nhà xây bằng gạch không nung có khả năng cách âm, chống nóng tốt hơn… “Nếu so sánh giá hai viên gạch cùng kích thước: gạch đỏ (gạch nung) và gạch bê tông khí chưng áp (gạch không nung) thì gạch đỏ rẻ hơn. Tuy nhiên, nếu so về tổng giá trị công trình thì công trình dùng gạch bê tông sẽ rẻ hơn từ 10 đến 20% so với sử dụng gạch đỏ” - Giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết.
 Một công trình xây bằng gạch không nung tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. 
Với những ưu điểm của vật liệu xây không nung, từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành các quy định, trong đó yêu cầu các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước tại các đô thị loại 3 phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung kể từ đầu năm 2013. Các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2012 đến 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây dựng cho công trình.

Vẫn ít được sử dụng

Mặc dù đã được Chính phủ, Bộ Xây dựng đưa vào Chương trình phát triển, nhưng việc sử dụng vật liệu xây không nung vẫn rất hạn chế. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, ngành xây dựng, tại Việt Nam đang sử dụng tới 80% gạch nung truyền thống mặc dù tăng trưởng trung bình năm của ngành này tới 8%. Còn theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, năm 2016, tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất gạch không nung và gạch nhẹ tại Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ viên và 0,9 tỷ viên. Tuy nhiên, lượng gạch không nung được tiêu thụ chỉ vào khoảng 5,2 tỷ viên và gạch nhẹ là 0,5 tỷ viên/năm. Vậy đâu là nguyên nhân của việc gạch không nung chưa được sử dụng phổ biến?

Kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Thành, đang thi công một công trình tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: Thợ giờ rất ngại xây gạch không nung vì gạch này không dùng dao xây chặt được, một số chủng loại còn phải dùng thiết bị hỗ trợ, trong khi với gạch đất sét nung, nếu cần 1/2 hoặc 1/3 viên, thợ sẽ tiện dao xây chặt luôn.

Đối với người dân, anh Thành cho biết, khi đề xuất xây bằng gạch không nung, nhiều người tỏ ra không tin tưởng vì đây là loại gạch tương đối mới mẻ, thời gian kiểm nghiệm thực tế chưa lâu, trong khi gạch đất sét nung đã sử dụng phổ biến hàng trăm năm nay. Thực tế cũng đã có công trình xây bằng gạch bê tông khí chưng áp AAC bị một số hiện tượng như bở tường, nứt tường, thấm do quá trình thi công không tuân thủ đúng kỹ thuật mà nhà sản xuất gạch khuyến cáo. Bên cạnh đó, người dân thường nghĩ tới cái rẻ trước mắt của gạch nung mà không hình dung tổng thể cả công trình nếu xây bằng gạch không nung sẽ bớt được chi phí đáng kể, do gạch không nung nhẹ hơn nên kết cấu móng, dầm đơn giản hơn.

Về chính sách, nhiều ý kiến của nhà sản xuất gạch cho rằng, Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã quy định rất rõ tỷ lệ sử dụng gạch không nung đối với các công trình và từng giai đoạn cụ thể. Nhưng thực tế, công tác thanh, kiểm tra giám sát về việc thực hiện quy định này lại chưa chặt chẽ, sâu sát, dẫn đến ngay cả những công trình theo quy định phải sử dụng vật liệu xây không nung, nhưng khi thiết kế, thẩm định, cấp phép, các cơ quan chức năng vẫn không đưa vào yêu cầu bắt buộc, đến khâu nghiệm thu, quyết toán lại tiếp tục cho qua. Đó là nguyên nhân không nhỏ khiến vật liệu không nung vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên thị trường ngày cả khi nhận được nhiều chính sách khuyến khích.