Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội: Kinh nghiệm hay từ Nhật Bản

Hoàng Hiệp - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/7, tại hội thảo "Phát triển giao thông công cộng (GTCC) tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản", giới chuyên gia khẳng định, những kinh nghiệm quý báu của các nước đi trước như Nhật Bản hoàn toàn có thể áp dụng trên địa bàn Hà Nội.

Đặc biệt là trong việc quy hoạch, tổ chức, xây dựng hệ thống GTCC một cách bài bản và có chiều sâu.
Xe buýt vẫn là trọng tâm
Tại Hà Nội, GTCC đang đứng trước nhiều thách thức như hạ tầng chưa đảm bảo; sự cạnh tranh của phương tiện vận chuyển hành khách ứng dụng công nghệ (Grab, Bee…). Bên cạnh đó là bất cập về tổ chức giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp.
Trong khi các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội còn đang trong quá trình xây dựng, xe buýt nhanh BRT mới chỉ có một tuyến đơn độc thì nhiệm vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) phải trông chờ chủ yếu vào xe buýt.
Hệ thống tàu điện ngầm tại Tokyo, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý vận hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, xe buýt tại Hà Nội đã có những bước phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Tuy nhiên, một số năm gần đây, sự tăng trưởng sản lượng VTHKCC không như mong muốn. Xe buýt mới đảm nhận tỷ lệ vận chuyển là 12,2%; trong khi tỷ lệ lớn nhất vẫn là xe máy chiếm tới 64,4%. Ngoài ra, những thành phần khác cần khuyến khích phát triển là xe đạp và đi bộ thì hiện vẫn đang ở tỷ lệ rất thấp.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Jun Matsumoto - Tổng Giám đốc Công ty CP Michinori Holdings Nhật Bản thông tin, hiện nay thị phần GTCC tại Tokyo đã đạt 47%. Có nghĩa là gần một nửa người dân ở Tokyo sử dụng dịch vụ VTHKCC như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, xe buýt… hàng ngày.
“Tại Tokyo, nếu dùng ô tô để di chuyển có thể mất đến 20% thu nhập trung bình của người dân, trong khi nếu đi tàu điện ngầm hay xe buýt chỉ mất khoảng 3%. Chính vì lý do đó, người dân Tokyo lựa chọn GTCC để di chuyển” - ông Matsumoto cho hay.
Phải mang lại tiện lợi
Ông Takashi Kobayashi - Cục Chính sách tổng hợp, Bộ Đất đai - Hạ tầng - Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho rằng, có hai vấn đề quan trọng nhất khi xây dựng hạ tầng giao thông để thúc đẩy sử dụng GTCC. Thứ nhất là điểm trung chuyển giao thông, đây sẽ là trung tâm kết nối các phương tiện GTCC với nhau.
Các điểm này nằm trong quy hoạch tổng thể của TP. Thứ hai là nâng cao những tiện ích cho người tham gia giao thông, những công trình phụ trợ, nâng cao chất lượng của dịch vụ GTCC. Ông Kobayashi nhấn mạnh, trong những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy việc sử dụng công nghệ tiên tiến hướng đến TP thông minh, giao thông thông minh thì GTCC đóng vai trò trung tâm.
Cũng tại hội thảo, một số chuyên gia đến từ Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp xây dựng hạ tầng giúp thúc đẩy việc sử dụng phương tiện và cải thiện chất lượng của GTCC như thiết kế, cách bố trí đầu mối trung chuyển giao thông, các làn đường ưu tiên, tiện ích phụ trợ…
Các chuyên gia Nhật Bản đều khẳng định, việc phát triển GTCC tại Hà Nội nói riêng và các TP lớn khác trên thế giới nói chung là quá trình tất yếu. Với nhiều điểm chung, Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Hà Nội về kinh nghiệm để phát triển tốt loại hình này.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm quản lý vận hành giao thông đô thị Hà Nội đánh giá cao những kinh nghiệm quý báu mà Nhật Bản đang có trong việc phát triển hệ thống GTCC. Ông Hải mong muốn rằng, với sự giúp đỡ của Jica và tập đoàn Michinori, VTHKCC của Hà Nội sẽ có những bước phát triển trong tương lai.

"Hà Nội cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển GTCC, đặc biệt là xe buýt chất lượng cao. Đồng thời, cũng cần có chính sách nhằm giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện GTCC." - Ông Takashi Kobayashi - Cục Chính sách tổng hợp, Bộ Đất đai - Hạ tầng - Giao thông và Du lịch Nhật Bản

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần